Tại Chương trình Lãnh đạo TP gặp gỡ SV tiêu biểu lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh, TP.HCM phải đi đầu trong đào tạo nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng. Bởi đây chính là nguồn nhân lực để TP hoàn thiện việc xây dựng TP thông minh…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi gặp gỡ sinh viên
Đất dụng võ AI rất nhiều
Chủ tịch UBND TP khẳng định, chính SV là nguồn nhân lực quan trọng để thúc đẩy ngành AI phát triển nhanh hơn; để TP thực hiện đô thị thông minh, xây dựng TP là TP văn minh đáng sống. Theo đó, các ngành, các cấp, viện, trường, SV hãy cùng chung sức phát triển ngành AI, đóng góp vào sự phát triển của TP.
Cũng theo ông Mãi, ngành giáo dục cần quan tâm đến các cấp độ đào tạo như tài năng, chuyên gia, học viên, học sinh phổ thông. Từ đó, có hình thức đào tạo phù hợp, có cơ chế, chính sách đào tạo từng cấp độ.
“TP.HCM phải đi đầu trong đào tạo nhân lực AI nói riêng và CNTT nói chung. Phải tạo môi trường để kết nối nguồn lực, kiến tạo hệ sinh thái phát triển AI”, ông Mãi nhấn mạnh.
“Đối với các hội thi, câu lạc bộ ở các trường cần rà soát đánh giá để có sự điều chỉnh, cân nhắc đưa vào cuộc thi giải quyết các vấn đề của TP, từ đó nâng lên thành dự án và làm sao để các đề tài đạt giải đi vào cuộc sống. Bên cạnh cơ chế, chính sách phát huy các đề án đạt giải cuộc thi ứng dụng AI, còn có cơ chế chính sách khác nhằm khuyến khích tài năng, chuyên gia lĩnh vực này. Đồng thời, TP phải đầu tư hạ tầng để kết nối AI…”, ông Mãi nhấn mạnh thêm.
Theo ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, AI là lĩnh vực rất khó, những ai theo đuổi phải chấp nhận tất cả khó khăn vốn có trong lĩnh vực CNTT khi quy mô phát triển tri thức, tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão. Bản thân tên AI thể hiện sự mong muốn đạt được một công cụ, tạo ra được thiết bị máy móc thay thế cho suy nghĩ, hành động, quyết định của con người. Như vậy, một trong những yếu tố phải có là học. Muốn học được phải có dữ liệu và học cả một quá trình.
Hiện TP đang quyết tâm xây dựng một hệ sinh thái để phục vụ cho lĩnh vực này, trong đó có cơ sở dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở. Ở đó, TP tập trung những gì sản sinh trong quá trình vận hành hoạt động rồi tổ chức lại để trở thành dữ liệu có ích. Cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, chuyên gia, nguồn lực, TP đang nỗ lực để làm cho cơ sở dữ liệu giàu lên.
TP.HCM đang xây dựng TP thông minh nên đất dụng võ AI rất nhiều. TP mong SV tiếp tục phát huy tiềm năng của mình đóng góp cho sự phát triển. Trước mắt, SV hãy giúp TP giải quyết các bài toán sát sườn. Đầu tiên là một hệ thống điều hành TP với khả năng cao nhất, thông minh lớn nhất. Từ những mong muốn lớn đi vào giải quyết những bài toán nhỏ hơn, trong từng lĩnh vực cụ thể như ứng dụng AI trong ngành y, ngành giáo dục…
“Khi nghĩ về giá trị AI hãy nhìn vào nhu cầu thực tiễn, những điều người dân mong muốn giải quyết, hướng đến xử lý bằng trí thức. Lợi thế SV đang có là tuổi trẻ. Tuổi trẻ cần có quyền được bay bổng nhưng vẫn phải hướng đến thực tiễn. Dự án lớn nhưng bắt đầu từ cái nhỏ”, ông Đức nói.
Cần một cộng đồng AI để kết nối SV
Nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT nói chung và AI nói riêng của TP.HCM là rất lớn; mong mỏi, kỳ vọng của lãnh đạo TP đối với nguồn nhân lực này cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên, không ít “người trong cuộc” – SV ngành CNTT lại cho rằng, có rất nhiều khó khăn cản trở các em phát triển… Do đó các em mong mỏi có một cộng đồng AI để SV kết nối với nhau và cùng phát triển.
Diệp Tuấn Luân – SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM – cho biết, AI không còn là khái niệm mới mẻ, đang trở thành xu thế tất yếu của nhân loại, nhưng việc tìm hiểu chuyên sâu vẫn đang nan giải đối với SV. Tại ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP có những hoạt động hỗ trợ các SV đến gần hơn sân chơi khoa học công nghệ thông qua các cuộc thi, đặc biệt là AI và đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận hoạt động của SV còn rời rạc, thiếu sự hỗ trợ; định hướng ở từng giai đoạn cũng hạn chế.
Luân cho rằng, TP nên xây dựng cộng đồng AI giúp SV kết nối được với nhau từ nhiều trường đào tạo, qua đó tìm được người cùng đam mê và ý tưởng để thực hiện. Đây còn là môi trường chia sẻ kinh nghiệm và tạo động lực hoàn thiện công trình nghiên cứu. Cùng với đó, đẩy mạnh kết nối hoạt động đào tạo, tổ chức nhiều hơn các buổi trao đổi, đặc biệt đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp cho SV lĩnh vực này. Bởi lẽ, SV có nhiều ý tưởng nhưng để thực hiện phải có chuyên gia, doanh nghiệp hỗ trợ ứng dụng thành sản phẩm thực tế. SV chính là nguồn lực tiềm năng trong AI, việc kết nối hỗ trợ tiếp cận sớm là vô cùng quan trọng để SV phát huy tư duy sáng tạo…
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao giải nhất Hội thi thử thách AI TP.HCM năm 2021 cho đội thi đến từ Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM
Trần Thịnh – SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM – bày tỏ, để có ứng dụng CNTT, AI phải cần đến con người và điều kiện thực hiện. Có nhiều dự án tốn kém về nhân lực, thiết bị phần cứng nên SV thường liên hệ với doanh nghiệp để tìm cơ hội phát triển thay vì tập trung nghiên cứu. Vậy nên rất cần có sự đầu tư AI tại các trường ĐH. Nếu có quỹ đầu tư phát triển kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ thiết bị, có sự định hướng thì với nhiệt huyết, sức trẻ, SV sẽ có những đóng góp cho AI.
Nguyễn Thái Bình – Trường ĐH Bách khoa TP.HCM – cho biết, muốn có một mô hình AI tốt phải có dữ liệu lớn, đáng tin cậy và sạch sẽ. Tuy nhiên ở Việt Nam đang khan hiếm, đặc biệt là dữ liệu tiếng Việt; để đào tạo AI theo mô hình tiếng Việt là rất khó khăn. TP nên thành lập trung tâm dữ liệu xây dựng nguồn dữ liệu lớn để SV tiếp cận học tập, thúc đẩy phát triển AI tại Việt Nam.
Một số SV cho rằng, ở bậc học phổ thông, môn tin học vẫn chưa thực sự được chú trọng, học sinh thiếu cơ hội tìm hiểu, thiếu đam mê, hứng thú; các dự án nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở cuộc thi, chưa ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn – trong khi đây mới là cốt lõi giá trị. Theo đó, các em mong muốn lãnh đạo TP, các ban ngành liên quan sẽ sớm khắc phục những hạn chế này để các em có cơ hội phát huy năng lực, phục vụ cho quá trình xây dựng TP thông minh của TP.HCM…
Minh Phương
Bình luận (0)