4 năm sống và làm dâu ở tận đất nước Đức xa xôi, chị Nguyễn Thị Miên, quê ở Hải Dương đã trải qua 3 cái Tết truyền thống và Tết tây. Với chị, ngần ấy thời gian có đủ cả các cung bậc cảm xúc. Dù ở xa Việt Nam, nhưng với tình yêu thương của chồng và những người xung quanh, chị vẫn luôn cảm nhận được những cái Tết truyền thống quê hương thật ấm áp và hạnh phúc…
Gia đình nhỏ của Min ở Đức
Hòa nhập với quê chồng
4 năm trước, Nguyễn Thị Miên (tên thường gọi là Min) đến vùng đất Frankfurt am Main thuộc bang Hessen, Đức. Frankfurt là thành phố tài chính lớn, có rất nhiều người nước ngoài đến và làm việc ở đây. Môi trường sống vì thế khá hòa đồng và dễ gần. Điều đó giúp Min cảm thấy khá thoải mái và ít bị áp lực trước hình dung về một viễn cảnh sống ở một nơi thật xa đất nước của mình, khác biệt mọi mặt về phong tục, tập quán, lối sống, ngôn ngữ…
Trước khi đến với một vùng đất mới, đương nhiên phải tìm hiểu về văn hóa truyền thống của nơi đó và hiểu được sự khác biệt để hòa đồng. Min cũng thế. Min kể, khi mới sang Đức, Min thích ngay mùa Giáng sinh nơi đây. Không khí đón Giáng sinh nó thân thuộc như cách người Việt Nam mình đón Tết Nguyên đán vậy. Mùa Lễ Giáng sinh rất quan trọng, các khâu từ trang trí nhà cửa cho đến tặng quà cho trẻ, cho người thân… được chuẩn bị rất chu đáo. Thời gian lũ trẻ mong chờ nhất là đại tiệc bóc quà Noel và tìm cho mình những ước nguyện. Còn người lớn sẽ ngồi lại bên nhau, uống rượu vang nóng trò chuyện về những điều làm được và những dự định cho năm mới.
Hồi mới đến Đức, Min phải học hỏi nhiều về cách ứng xử. Gia đình chồng hướng dẫn Min cách thích nghi với văn hóa ứng xử và các phong tục, tập quán của mọi người nơi đây. “Khi mới gặp mặt thì người Đức khá nghiêm túc, họ cũng lịch sự và khiêm tốn hơn. Theo nhận xét chung thì người Đức khá lạnh lùng và khó gần. Nhưng khi quen lâu hơn thì họ cũng rất dễ thương”, Min kể.
Dù ở Đức, Min vẫn chuẩn bị nguyên liệu gói bánh chưng đón Tết Nguyên đán Việt
Điều Min thích nhất là lời “xin lỗi và cảm ơn” của người Đức. Đó là một thói quen. Khi nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào dù là nhỏ nhất thì họ luôn luôn nói lời cảm ơn để thể hiện sự cảm kích đấy. Nhờ học được câu “xin lỗi/cảm ơn” này mà Min thấy cuộc sống ở Đức nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với trước khi vừa đến đây. Ở Đức, mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người, dù chỉ là người lạ.
“Một khác biệt văn hóa khó quên nhất của mình khi mới đến Đức, đó là quan điểm về ngày sinh của mọi người bên đây. Bạn sẽ được 1 tuổi mới vào đúng ngày sinh nhật của bạn. Tuyệt đối không được chúc mừng sinh nhật sớm dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đó được coi là một điềm xui khó gỡ mà bất cứ ai cũng không muốn mắc phải” Min cho biết.
Điều làm cho Min hạnh phúc nhất là vừa được chồng, gia đình chồng đón nhận những món ăn Việt và hơn thế nữa, Min có điều kiện để tạo cho ký ức tuổi thơ của con những kỷ niệm thật đẹp và sau này sẽ yêu hơn Tết truyền thống trên quê hương của mẹ. |
Lần đầu tiên vì không biết phong tục tập quán đó nên Min lỡ tổ chức sinh nhật cho bạn trai (bây giờ là chồng Min) trước ngày sinh. Anh đã rất ngỡ ngàng nhưng tuyệt đối không chịu thổi nến. Min thoáng buồn và thắc mắc nhưng rồi hiểu ra và bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các phong tục khác.
Một khó khăn khác với Min khi vừa đến Đức là các món ăn thuần Việt bên này rất khó tìm. Các siêu thị bán đồ châu Á lại rất xa và không phong phú như ở Việt Nam. Khắc phục những điều đó, dần dần Min đã tự học được rất nhiều món ăn Việt như nem chua, chả quế, phở bò, bún bò Huế, chả cá, chả gà, giò thủ, giò lụa…. Những món mà ngày xưa Min chưa tìm nghĩ đến có ngày mình sẽ nấu được. Sau một thời gian tìm hiểu thì mình phát hiện món ăn ở Đức cũng có nhiều món gần giống với món Việt Nam nhưng bán ở tất cả siêu thị Đức. “Giờ đây việc tìm kiếm nguyên liệu nấu các món ăn Việt không còn quá khó đối với mình. Nên mình cũng chăm chỉ nấu ăn hơn trước. Sau 4 năm ở xứ người, mình đã có một gia đình nhỏ và có thêm một quê hương thứ hai. Mọi bắt đầu đều kèm theo những khó khăn nhất định, chỉ cần bạn cố gắng, kiên trì vững bước vượt qua thử thách thì bạn sẽ sớm hái được trái ngọt dù ở bất cứ nơi đâu”, Min trải lòng.
Những cái tết Việt trên đất Đức
Min kể, năm đầu tiên đón Tết Việt ở Đức, Min rất buồn, cô đơn và nhớ gia đình. Vào đêm 30 tết, thay ở Việt Nam mọi người đang quây quần bên gia đình để đón năm mới thì ở Đức, Min phải mặc ba bốn lớp áo len dày cộm để đi làm. Tan giờ làm, Min đi bộ một mình về phòng trọ. Ngày mùng một Tết, nằm một mình trong căn phòng lạnh lẽo, ở một đất nước xa lạ rồi Min bật điện thoại gọi về chúc Tết gia đình. “Lúc nói chuyện với mọi người, Min đã cố gắng không khóc. Nhưng khi vừa buông chiếc điện thoại ra là Min lập tức khóc thút thít như một đứa trẻ. Min chưa bao giờ nhớ nhà, nhớ gia đình như thế”. Sang ngày mùng 2 Tết, không thể cứ đắm trong nỗi nhớ quê, Min đi mua một số thực phẩm rồi đến nhà người yêu chơi. “Min tự tay nấu một nồi phở gà theo phong cách Việt, hai đứa cùng ăn và nghe nhạc Tết. Sau đấy mình và anh cùng xem chương trình Táo Quân và phim hài Tết Việt Nam. Mặc dù anh không hiểu gì, nhưng vẫn cố gắng ngồi xem cùng mình, khiến mình cảm thấy rất vui và ấm áp như có gia đình bên cạnh”, Min chia sẻ.
Sống ở Đức, Min vẫn luôn dạy con về truyền thống Việt
Min bảo, cái Tết Nguyên đán thứ 3 của Min ở Đức là một cái Tết đặc biệt. Năm đó gia đình Min chào đón thành viên mới, một cậu con trai kháu khỉnh. Vào thời khắc giao thừa, chồng Min mặc cho con một bộ đồ có ghi dòng chữ “Chúc mừng năm mới 2020” và vẽ thêm hình con chuột nữa. Chồng Min còn cẩn thận làm thêm bao lì xì đỏ để tặng cho vợ. Min cảm động đến rơi nước mắt. Đó cũng là cái Tết mà Min chuẩn bị nhiều món ăn hơn. Nhiều món Việt. “Mình tự gói bánh tét, làm giò thủ và muối dưa hành đón Tết. Bên cạnh Min còn có gia đình nhỏ, ai cũng háo hức làm cùng Min. Mình nghĩ, nếu không đón Tết ở Việt Nam được thì mình đem Tết đến Đức vậy. Chỉ cần mình trang trí nhà cửa và nấu những món ăn truyền thống Việt Nam thì dù ở bất cứ đây, ta vẫn có cái Tết trọn vẹn”, Min bộc bạch.
Phan Lệ
Bình luận (0)