“Hiểu mình, hiểu người” là một bí quyết hay để xây dựng tình bạn. Trong các mối quan hệ bạn bè, nếu trẻ hiểu rõ những gì mình và bạn mong muốn, sở trường của mình và bạn có giống nhau không, hai bên có những nhu cầu, sở thích gì… sẽ giúp trẻ có cách ứng xử thích hợp, đem lại hiệu quả như mong muốn.
Giáo dục con “hiểu người, hiểu mình”, các bậc phụ huynh cũng cần có bí quyết
Đồng hành với con
P. Nhung – 8 tuổi ngụ ở Q. Gò Vấp, TPHCM mỗi khi học nhóm cùng các bạn ở nhà hay ở lớp đều tỏ thái độ “ta đây” với bạn về môn toán và tiếng Việt. Cô bé luôn thể hiện mình là người giỏi nhất nhóm, hoàn thành các bài tập một cách nhanh chóng và rất sáng tạo. Tuy nhiên, điều mà cha mẹ và cô giáo băn khoăn là P. Nhung không thèm quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ với bạn về bất cứ điều gì, kể cả phương pháp học tập được xem là thế mạnh của bé. Thậm chí, cô bé còn tỏ thái độ xem thường mấy bạn chậm hơn mình. Cách ứng xử có phần kiêu căng, ngạo mạn của P. Nhung khiến các bạn rất ngại gần gũi bé.
Khi trẻ nhận thức chưa đúng về bản thân thì sẽ đánh giá mình quá cao, dẫn đến thái độ, hành vi vênh váo không coi ai ra gì, không muốn chơi với những bạn đó vì nghĩ các bạn“chán lắm”, “không cùng sóng”, “không cùng đẳng cấp” với mình. Ngược lại, khi trẻ đánh giá quá thấp bản thân sẽ tự ti, ngại ngùng không muốn chơi với ai vì lo sợ mình thua kém người khác. Do đó, khi trẻ không đánh giá đúng bản thân mình và bạn bè sẽ khiến cho chúng dễ làm tổn thương bản thân cũng như bạn mình và sẽ rất khó khăn khi hòa nhập vào các mối quan hệ tình bạn.
“Hiểu mình, hiểu người” là một bí quyết hay để xây dựng tình bạn. Trong các mối quan hệ bạn bè, nếu trẻ hiểu rõ những gì mình và bạn mong muốn, sở trường của mình và bạn có giống nhau không, hai bên có những nhu cầu, sở thích gì… sẽ giúp trẻ có cách ứng xử thích hợp, đem lại hiệu quả như mong muốn. Không chỉ đối với người lớn, “hiểu người, hiểu mình” là một nguyên tắc sống trẻ cần được giáo dục để thuận tiện cho việc bước vào cuộc sống. Điều này có nghĩa là giúp trẻ biết được thế mạnh, sở trường của bản thân cũng như của các bạn đồng trang lứa. Đồng thời, trẻ cũng phải biết được hạn chế, điểm yếu của mình để có cách ứng xử cho phù hợp. Cha mẹ hãy khéo léo chỉ cho trẻ thấy mỗi người có một sở trường, thế mạnh nhất định, con hãy nhìn nhận một cách toàn diện, chứ đừng có vội xem thường người khác.
Thầy cô, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ được tương tác trong các mối quan hệ bạn bè. (ảnh IT)
Hãy quan sát “bí kíp” giáo dục con “hiểu người, hiểu mình” của gia đình anh Ngọc ngụ Biên Hòa, Đồng Nai: Con trai anh Ngọc tên là Hưng, năm nay lên 9 tuổi, cậu bé rất có năng khiếu học tiếng Anh, hầu hết các từ mới được học qua một lượt là cậu bé nhớ bằng hết. Vì thế, giờ học nhóm môn Anh văn là cậu khoái chí nhất. Bao giờ cậu cũng hoàn thành đầu tiên. Học nhóm cùng có bạn Khang nhớ từ mới chậm hơn. Anh Ngọc bảo con trai giúp đỡ, cùng làm bài tập với bạn. Ban đầu, Hưng cũng tỏ rõ thái độ xem thường bạn ra mặt, chỉ hướng dẫn rất qua quýt, lấy lệ. Anh Ngọc đã chuyển hướng, trong giờ học nhóm sẽ xen kẽ thêm môn Toán. Việc làm phép tính và giải các bài toán lại là sở trường của Khang. Học cùng môn toán, được bạn định hướng, chỉ dẫn mình tận tình, kỹ càng, thấy bạn giỏi làm toán nhưng rất khiêm tốn, nhẹ nhàng nên Hưng cũng thấy “chột dạ” và dần dần đã nhiệt tình, trách nhiệm hơn khi học cùng bạn môn Anh văn. Khi đi học bơi cũng thế, anh Ngọc chịu khó chở hai đứa đi cùng để chúng thi đua nhau luyện tập. Cả hai cùng rất tiến bộ và Hưng đã rút ra “bài học xương máu”: “Bơi bình thường thì con nhanh hơn bạn ấy, nhưng bơi đúng kỹ thuật thì thầy huấn luyện viên khen Khang bơi chuẩn hơn con”. Trải nghiệm nhiều cùng bạn, Hưng đã dần kiểm soát được tính kiêu căng, hống hách cứ cho mình là nhất của mình. Tính cách của em biểu hiện ra ngoài vì thế cũng điềm đạm hẳn.
Không chỉ đối với người lớn, “hiểu người, hiểu mình” là một nguyên tắc sống trẻ cần được giáo dục để thuận tiện cho việc bước vào cuộc sống. Điều này có nghĩa là giúp trẻ biết được thế mạnh, sở trường của bản thân cũng như của các bạn đồng trang lứa. Đồng thời, trẻ cũng phải biết được hạn chế, điểm yếu của mình để có cách ứng xử cho phù hợp. |
Giúp trẻ biết và hiểu bản thân mình nhiều hơn để đánh giá đúng bản thân, không quá khắt khe cho mình là kém cỏi, nhưng cũng không nên tự cao, tự đại cho mình là nhất. Tất nhiên, để có cơ sở khách quan, cha mẹ hãy tạo điều kiện cho trẻ được tương tác trong các mối quan hệ bạn bè.
Bí quyết để hiểu mình, hiểu người
Trước hết, cha mẹ hãy giúp trẻ cách để “hiểu mình”. Để nhận biết về bản thân trẻ phải có quyển sổ theo dõi những điều mình cần (nhu cầu), những điều mình thích (hứng thú), ưu, nhược điểm của bản thân (thế mạnh, hạn chế), ước mơ của bản thân và những kết quả mình đạt được trong một khoảng thời gian nhất định. Từ đó, giúp trẻ biết tự đặt ra phương hướng cho mình. Chẳng hạn, trong tháng giêng năm nay mình cần những điều gì, mình thích điều gì, mình có năng lực trong lĩnh vực nào, kế hoạch đặt ra những công việc nào, kết quả đạt được và ưu nhược điểm của bản thân. Giúp con đối chiếu kết quả đạt được với mục tiêu đặt ra, để có hướng phấn đấu.
Cách để hiểu người khác hiệu quả nhất đó là cùng lên kế hoạch, mục tiêu trong một thời gian nhất định với một số bé cùng độ tuổi, cùng lớp học để các bé thi đua nhau. Từ đó, có cơ sở để chỉ ra điểm mạnh cũng như hạn chế giúp trẻ khắc phục để cùng tiến bộ. “Học thầy không tày học bạn” – qua việc học nhóm, làm việc nhóm, trẻ sẽ hiểu bạn và mình hơn. Đó là những viên gạch nhỏ đặt nền tảng cho sự thành công trong tương lai của trẻ!
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)