“Có thể nói là thời điểm này TP đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong môi trường học đường… Đồng thời, việc tiêm vắc-xin không phải là điều kiện bắt buộc để học sinh trở lại trường. Hiện nay, độ bao phủ vắc-xin tại TP từ 12 tuổi trở lên tỷ lệ rất cao. Điều này cho thấy, kể cả học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm thì độ miễn dịch cộng đồng của TP đã rất cao. Vắc-xin không phải là màng chắn duy nhất khi trẻ trở lại trường”- Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh.
Hiện nay, thành phố đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong môi trường học đường
Nhà trường cần nghiên cứu xu hướng thích ứng trong bình thường mới
Nhằm chuẩn bị tốt việc mở rộng các khối lớp khác đi học trực tiếp, mới đây đoàn khảo sát của Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND TP.HCM đã kiểm tra công tác dạy học trực tiếp và chuẩn bị cho các khối lớp khác trở lại trường trên địa bàn Q.1.
Bà Mai Thị Hồng Hoa (Phó Chủ tịch UBND Q.1) cho biết, toàn quận có 20 cơ sở giáo dục đạt yêu cầu tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 13-12. Các đơn vị hiện đang tổ chức dạy học theo cấp độ 2 và luôn dự phòng các phương án để phù hợp với từng cấp độ dịch.
Theo bà Hoa, thuận lợi của địa phương khi dạy học trực tiếp là tỷ lệ giáo viên tiêm vắc-xin cao, cơ sở giáo dục quan tâm nhiều đến biện pháp phòng dịch, việc đảm bảo giãn cách rất tốt, tâm lý học sinh phấn khởi, phụ huynh an tâm.
“Tỷ lệ khảo sát sự đồng thuận của phụ huynh ban đầu chỉ dưới 50%, khiến cơ sở giáo dục lo lắng không hiểu vì sao phụ huynh lại đồng thuận thấp. Sau khi tìm hiểu thấy rằng phụ huynh lo lắng về biện pháp an toàn phòng dịch, xử lý F0. Nhà trường đã chia sẻ để phụ huynh hiểu, từ đó tỷ lệ tăng dần từ 90% lên 94% và nay là 97%. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc học trực tiếp. Nhìn các con đến trường chúng ta hiểu cuộc sống đã dần bình thường trở lại”, lãnh đạo UBND Q.1 bày tỏ.
Bà Hoa đánh giá, những thuận lợi này cũng là áp lực trong giai đoạn sắp tới khi mở rộng thêm các khối lớp khác. Đây là bài toán quận phải tính toán kỹ vì địa bàn hạn chế về cơ sở vật chất, trường lớp nhỏ. Ngoài ra, còn là khó khăn về kinh phí phòng dịch khi học sinh trở lại trường, nhân sự chuyên trách y tế hạn chế. Việc tách lớp dạy hiện nay chưa đạt hiệu quả cao. Phụ huynh lo lắng chủng mới…
Về kế hoạch mở rộng học trực tiếp đối với các khối còn lại, Q.1 đã tiến hành khảo sát phụ huynh mầm non và các khối còn lại. Ở khối mầm non, tỷ lệ dao động từ 4,35%-40,78% tuỳ từng độ tuổi; Khối TH dao động từ 32,32%-66,19%; Tỷ lệ này ở khối 6 là 45,9%.
Do tỷ lệ đồng thuận còn thấp, bà Mai Thị Hồng Hoa kiến nghị TP tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ từ 3 – dưới 12 tuổi, tạo sự an toàn cho trẻ và an tâm cho phụ huynh. Quận cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền với phụ huynh, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch trong nhà trường.
Từ kết quả tổ chức tại Q.1, ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Trưởng ban Văn hoá Xã hội, HĐND TP.HCM – Trưởng đoàn khảo sát, đánh giá TP đã đủ tự tin, đầy đủ cơ sở khoa học, pháp lý tiếp tục đón các khối lớp khác đi học bình thường. Các trường không chủ quan, tiếp tục hoàn thiện công tác tổ chức.
Ông Nhựt nhìn nhận, dù còn nhiều khó khăn nhưng Covid đã làm chúng ta thay đổi để thích ứng. Chuyển đổi số nhà trường đã làm rất tốt. Ngoài ra, thách thức của dịch cũng làm làm thay đổi công tác phối hợp với phụ huynh, rèn nề nếp cho trẻ, giúp trẻ cảm nhận sâu sắc ý thức trách nhiệm với xã hội, là tiền đề tạo thế hệ trẻ phát triển các giá trị của TP. Tới đây TP sẽ có đề án chính sách đặc thù để hỗ trợ, phát triển đội ngũ y tế học đường. “Nhà trường cần nghiên cứu xu hướng thích ứng trong trường học theo hướng bình thường mới, song song đẩy mạnh công tác truyền thông để gia tăng sự đồng hành của phụ huynh”, ông Nhựt gợi ý.
Vắc-xin không phải là màng chắn duy nhất khi trẻ đến trường
Đánh giá kết quả dạy học trực tiếp tại TP thời gian qua rất khả quan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng thông tin, các ca F0 được phát hiện tại trường hầu hết là lây nhiễm tại địa phương, được phát hiện trong trường chứ chưa có bằng chứng về việc lây lan trong trường học. Đây là cơ sở củng cố thêm tính hiệu quả của phương án phòng dịch.
“Có thể nói là thời điểm này TP đã hoàn toàn kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong môi trường học đường. Để phụ huynh thấy rằng chúng ta không duy ý chí, không mạo hiểm sức khỏe của trẻ mà hoàn toàn là có cơ sở thực tiễn, có ý kiến chuyên gia khi quyết định cho học sinh đi học trực tiếp”, ông Hưng khẳng định.
Từ tín hiệu tích cực này, lãnh đạo Sở Y tế nhấn mạnh, việc tiêm vắc-xin không phải là điều kiện bắt buộc để học sinh trở lại trường. Hiện nay, độ bao phủ vắc-xin tại TP từ 12 tuổi trở lên tỷ lệ rất cao. Điều này cho thấy, kể cả học sinh dưới 12 tuổi chưa được tiêm thì độ miễn dịch cộng đồng của TP đã rất cao”, ông Hưng khẳng định.
Qua quan sát thực tế, lãnh đạo Sở Y tế cho hay, tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc Covid chỉ do trẻ mắc bệnh nền, Còn lại thì tỷ lệ tử vong rất thấp. TP đang tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao người lớn tuổi, kể cả trẻ em. “Đây là cơ sở để đề xuất TP cho trẻ đi học, chứ không phải chỉ có vắc-xin là màng chắn duy nhất cho trẻ khi trờ lại trường. Vấn đề là chúng ta biết sẽ bảo vệ đối tượng nào và thêm nữa là bằng các biện pháp phòng dịch khác”, ông Nguyễn Hữu Hưng nói.
Vắc-xin không phải là màng chắn duy nhất khi trẻ trở lại trường
Để đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi trở lại trường, Phó Giám đốc Sở Y tế lưu ý nhà trường khuyến khích trẻ vận động khi đi học trực tiếp. Việc rửa tay phải dạy cho trẻ kỹ năng, trở thành phản xạ. Khuyến khích trẻ rửa tay với nước, hạn chế việc lạm dụng rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh.
Ông cũng lưu ý trường hạn chế thấp nhất sử dụng máy lạnh. Qua khảo sát, hầu hết khi sử dụng máy lạnh thì nồng độ oxy trong phòng học không cao. Thay vào đó nên tạo môi trường thông thoáng, sử dụng quạt gió, ánh sáng tự nhiên. “Các trường cần tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, không chỉ là phòng chống dịch bệnh mà đảm bảo an toàn. Thường xuyên phối hợp với phụ huynh để chăm lo tốt cho trẻ”.
Cạnh đó, ông Nguyễn Hữu Hưng cũng đề nghị các trường tính toán tạo tổ chức bán trú khi học sinh đi học trực tiếp, tạo điều kiện cho học sinh, hạn chế việc học sinh, phụ huynh phải đi lại nhiều lần. “Sở Y tế chưa bao giờ đề nghị bỏ bán trú khi học sinh trở lại trường, vấn đề là cách thức tổ chức như thế nào. Trong khi học sinh đã đi học, tại sao không tổ chức ăn cho trẻ”, ông Hưng nói.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)