Trên bàn thờ gia tiên của người Việt, nhang là thứ không thể thiếu trong ngày thường lẫn dịp lễ, Tết. Vì thế, những làng nghề làm nhang ở Việt Nam nói chung và làng nghề làm nhang ở xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) nói riêng đã và đang góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống đó.
Cô Lại Thị Bé có trên 30 năm làm nhang bằng thủ công để thực hiện tâm huyết của má chồng
Sản phẩm không bao giờ “ế”
Những ngày này, chạy dọc theo tuyến đường Mai Bá Hương (huyện Bình Chánh) chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn “mùi Tết”. Hình ảnh những sạp nhang vàng óng phơi mình dưới nắng, không khí làm việc khẩn trương cùng những chuyến xe đang hối hả đưa hàng đi các tỉnh, thành tiêu thụ tạo cảm giác như trời đất đang chuyển giao để đón chào một năm mới sắp bắt đầu.
Nhang ở đây được sản xuất quanh năm, nhưng tất bật nhất là vào rằm tháng Giêng, tháng 7, tháng 10 (âm lịch). Đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, nhang cúng trên bàn thờ không thể thiếu.
Theo truyền thống của người Việt, việc thờ cúng tổ tiên, trời phật đã trở thành một phong tục. Không nhất thiết phải là mâm cao cỗ đầy, chỉ cần một nén nhang dâng lên bàn thờ trong ngày Tết để cầu mong một năm mới an lành, gia đình bình an, hạnh phúc. Nén nhang dâng lên bàn thờ còn thể hiện được tấm lòng thành kính, hướng về tổ tiên, nguồn cội. Vì lẽ đó, trong gia đình người nào cũng có những nén nhang để sử dụng trong việc thờ cúng, nhất là ngày Tết.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi đang tất bật sản xuất nhang để giao cho khách trong dịp Tết
Thời trước, nhang được làm bằng thủ công, se bằng tay. Thời công nghệ hiện đại, nhang được sản xuất bằng máy móc nên sản lượng tạo ra một ngày rất lớn.
Chị Nguyễn Thị Kim Chi (thợ làm nhang) cho biết, trước đây, người dân làm nhang bằng cách se nhang bằng tay, nên năng suất thấp và nhang làm ra cũng không đều, mỗi ngày chỉ khoảng 8 đến 10 thiên (mỗi thiên 1.000 cây). Nhưng trong mấy năm trở lại đây, khi máy làm nhang ra đời, đã giúp cho công việc của người dân bớt vất vả, cực nhọc, năng suất tăng cao, giảm công lao động và cây nhang làm ra cũng rất đều, đẹp. “Nhang se bằng máy rất nhanh, gấp 10 lần se tay. Một máy se nhang có thể tạo ra 70-80 thiên/ngày (nếu hoạt động hết công suất)”, chị Chi chia sẻ.
Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhưng làng nhang xã Lê Minh Xuân vẫn nhộn nhịp và không đủ nguồn cung.
Cô Phạm Thị Nhãn (50 tuổi) cho hay: “Tầm tháng 9 hàng năm là tôi đã bắt đầu dự trữ nhang cho dịp Tết, đến thời điểm này là xưởng đã chất đầy nhang. Năm nay do dịch nên ai cũng thấy hồi hộp, không dám sản xuất trước, cứ có khách đặt mới làm. Không ngờ năm nay đơn hàng nhiều, thậm chí còn nhiều hơn cả năm ngoái nên tôi cũng như những hộ làm nhang bên cạnh phải làm ngày làm đêm để kịp giao cho khách”.
Sau khi làm xong nhang được chất lên xe đưa đi sấy bằng công nghệ
Gần Tết lại thêm ngay mùa nắng “ngon” nên nhiều gia đình “hoạt động hết công suất” từ sáng sớm đến tối mịt, mỗi ngày thu vào 300.000 – 500.000 đồng với gần 100 thiên nhang thành phẩm.
Quyết giữ truyền thống gia đình
Theo những người làm nhang lâu năm, để làm ra được những nén nhang hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên, bột gỗ, bột trấu được nghiền nhuyễn sau đó được làm khô để trộn bột nhang. Bột nhang đạt tiêu chuẩn phải mịn, độ ẩm vừa phải. Bên cạnh đó, màu sắc và hương thơm cũng phải thật chuẩn. Kế đó là công đoạn se nhang, phơi khô, đếm số lượng và đóng gói. Nhang thành phẩm sẽ được đem phơi dưới nắng hoặc làm khô bằng máy sấy. Tùy từng loại nhang mà giá bán cũng khác nhau. Nhang loại nhỏ giao giá 5.000 đồng/thiên.
Dù công nghệ hiện đại, việc sản xuất nhang đỡ vất vả hơn khi có máy sấy và máy se nhang nhưng nhiều hộ làm nhang ở xã Lê Minh Xuân vẫn quyết giữ cách làm nhang truyền thống, không dùng máy móc.
Đến nay, làng làm nhang xã Lê Minh Xuân có tuổi đời gần 100 năm, được công nhận làng nghề truyền thống từ năm 2012 và trở thành một trong những làng nghề truyền thống trong lòng thành phố hiện đại. |
Cô Lại Thị Bé có trên 30 năm làm nhang ở xã này cho biết, quê cô ở Long An, lấy chồng ở xã Lê Minh Xuân. Nhà chồng có nghề làm nhang nên từ đó cô bắt đầu tập tành làm theo sự chỉ dẫn của má chồng. Khi má chồng qua đời, cô Bé vẫn tiếp tục giữ nghề. “Làm nhang bằng thủ công cực lắm. Mỗi ngày tầm 2, 3 giờ sáng đã dậy se nhang, đến 7 giờ nắng lên thì kịp đem ra phơi liền. Cứ cách 1, 2 tiếng lại ra thăm rồi trở mặt cho nhang khô đều, tránh bị cháy nắng. Cứ như vậy quần quật cả ngày. Chưa kể, những lúc trời mưa phải tất tả chạy ra đậy nhang lại, không khéo để nhang bị ướt xem như bỏ đi, không bán được”, cô Bé tâm sự.
Vất vả quá, nhiều lần cô Bé định đầu tư máy móc để công việc làm nhang đỡ vất vả hơn nhưng cô lại không làm được vì muốn nối nghề của má. “Hồi đó má chồng tôi toàn làm nhang bằng tay. Má vừa làm vừa dạy tôi và kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện về làng nghề rồi tâm huyết của những người gắn bó với nghề làm nhang, trong đó có má. Những câu chuyện má kể đã đi sâu vào tâm trí không bao giờ tôi quên được. Rồi khi má mất, tôi không còn được thấy bóng dáng người phụ nữ cả đời vì chồng con ngồi se nhang nữa. Nhiều đêm nhớ má tôi đã khóc. Tôi muốn tiếp tục tâm huyết của má làm nhang truyền thống. Đó cũng như cách để tôi luôn nhớ về má”, cô Bé kể.
Do làm bằng tay mỗi cây nhang được cô Bé chăm chút rất kỹ lưỡng. Nhờ vậy mà hàng cô làm ra tới đâu mối lấy hết tới đó. Bởi nhang của cô mang nét riêng mà không người nào có thể làm theo được.
Việc làm nhang đã giúp người dân xã Lê Minh Xuân có cuộc sống ổn định. Nhiều gia đình được xóa đói giảm nghèo. Anh Hoàng Quốc Cường (chủ cơ sở nhang Minh Khang) cho biết, cơ sở của anh có 6 nhân viên làm nhang. Tất cả mọi người đều thuộc diện hộ nghèo nhưng nhờ việc làm nhang giúp họ kiếm gần 8 triệu đồng/tháng trang trải cuộc sống.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)