Dịch Covid-19 gây khó khăn và thiệt hại đến mọi phương diện của lĩnh vực GD-ĐT. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch cũng đang được xem là một cơ hội để đổi mới ngành GD thích ứng với sự biến động xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cùng lãnh đạo Sở GD-ĐT TP trong một lần kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các trường học
Trước thềm năm mới 2022, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã dành cho Tạp chí Giáo dục TP.HCM một cuộc trò chuyện về hoạt động GD TP năm 2021 và định hướng cho thời gian tới.
Linh hoạt thực hiện chương trình, nhiệm vụ năm học theo quy định
+ Phóng viên: Theo ông, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm 2021, ngành GD TP.HCM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào?
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức: Có thể thấy, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống TP, trong đó có lĩnh vực GD-ĐT. Nếu như năm học 2020-2021 không thể kết thúc một cách bình thường thì năm học 2021-2022 cũng không thể bắt đầu như cách thức cũ. Bởi, học tập vốn là một quá trình để người học được liên tục tích lũy kiến thức qua từng giai đoạn.
Năm học 2021-2022 là năm thứ hai thực hiện Chương trình GD phổ thông (GDPT) 2018, khối lớp 2 và lớp 6 thực hiện chương trình mới hoàn toàn, sự thay đổi hình thức dạy học đã ảnh hưởng rất nhiều đến GV và HS. Điều này khiến cho việc đánh giá hiệu quả của Chương trình GDPT 2018 ở lớp 2 và lớp 6 gặp khó khăn hơn trước. Đối với HS lớp 1, việc học trực tuyến cũng khiến các em mất đi nhiều cơ hội phát triển những phẩm chất, năng lực chỉ có thể hình thành trong môi trường dạy học trực tiếp.
Bên cạnh đó, kế hoạch dạy học trong giai đoạn phòng chống dịch toàn ngành cũng bị đảo lộn, phải tiết giảm cho phù hợp với hình thức dạy học; chương trình phải tinh gọn, chắt lọc cốt lõi theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, không tổ chức được đầy đủ các môn học, nội dung bài học.
Đội ngũ GV vừa phải tham gia chống dịch Covid-19 ở địa phương, vừa tham gia giảng dạy với thời gian, công sức đầu tư cho hoạt động dạy học trực tuyến nhiều hơn so với dạy học trực tiếp; GV suy giảm sức khỏe, thậm chí đã có nhiều thầy cô nhiễm bệnh. Hoạt động dạy học 2 buổi/ngày và bán trú bị ngưng hoàn toàn, dẫn đến một số lượng lớn nhân viên, bảo mẫu thất nghiệp; các cơ sở GD được ngành y tế trưng dụng trên toàn TP để tham gia công tác chống dịch khiến xuống cấp nhanh chóng.
Tương tự, cơ sở vật chất phục vụ cho việc học của HS cũng không đồng bộ và chất lượng cũng không đều như nhau. Nhiều HS học tập bằng thiết bị điện thoại di động, đường truyền tốc độ không cao, điều này gây ra các tật về mắt, các tật khác như cong vẹo cột sống do ngồi lâu và không được uốn nắn kịp thời.
Các em học sinh Trường TH Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM) trong giờ học ngoại ngữ
Hoạt động kiểm tra, đánh giá HS cũng gặp khó khăn. Đối với công tác đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ, GV không tiếp xúc HS hằng ngày; do đó khó quan sát, theo dõi, đánh giá về phẩm chất của HS. Hoạt động đánh giá định kỳ theo hình thức trực tuyến cũng không thể chính xác hoàn toàn năng lực của HS…
+ Trong bối cảnh này, ngành GD đã thực hiện chương trình, nhiệm vụ năm học ra sao để việc học tập của HS không bị “đứt gãy” thưa ông?
Dịch Covid-19 gây khó khăn và thiệt hại đến mọi phương diện của lĩnh vực GD-ĐT. Tuy nhiên, những tác động của đại dịch cũng đang được xem là một cơ hội để đổi mới ngành GD thích ứng với sự biến động xã hội.
Ngành GD đã có những phản ứng nhanh, linh hoạt trong việc thực hiện chương trình, nhiệm vụ năm học theo quy định của Bộ GD-ĐT; đảm bảo quyền lợi học tập, thi cử và HS cuối cấp THPT tự tin bước vào đại học.
Ngay từ đầu năm học 2021-2022, ngành đã triển khai dạy học theo những giải pháp thích ứng, phù hợp với từng giai đoạn, mức độ dịch. Thời gian qua, do yêu cầu thay đổi hình thức dạy học, chuyển sang sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), nên năng lực sử dụng CNTT của GV đã được nâng lên rõ rệt. GV dù ở độ tuổi nào cũng đều sử dụng thành thạo các công cụ công nghệ để tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến cho HS.
GD TP cũng chuyển đổi từ những hình thức hoạt động trực tiếp sang hoạt động trực tuyến, các chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, các hoạt động sinh hoạt tổ khối, họp chuyên môn cũng đã chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức.
Đối với trẻ mầm non, ngành GD TP vẫn cố gắng và nỗ lực thực hiện kết nối với cha mẹ trẻ trong chăm sóc, GD trẻ tại nhà; phối hợp với các ban ngành, đài truyền hình xây dựng các chương trình, video clip về hoạt động chăm sóc, GD trẻ, cụ thể như Chương trình “Nào ta cùng vui” được phát sóng trên kênh HTV7, HTV9; các chương trình hỗ trợ qua kênh Yotube như HTV Kids…
Tuy nhiên, phải nhìn nhận khó khăn, bất cập còn nhiều, nhất là các chủ trương, quy định vốn dĩ áp dụng cho điều kiện bình thường chưa thể mở đường cho GD điều chỉnh và phát triển trong điều kiện bình thường mới.
Vẫn có nhiều GV chưa có năng lực tổ chức dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao. Đội ngũ cán bộ quản lý và GV ngoài công lập có nguy cơ thiếu nhiều do dịch bệnh kéo dài, không ổn định trong cuộc sống, đã chuyển sang làm nhiều việc khác.
Trong quá trình học tập tại nhà, việc dạy học cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình nhiều hơn nhưng hiện giờ phụ huynh HS đã đi làm ít có thời gian hỗ trợ HS. Nhiều phụ huynh vẫn giữ quan điểm giao khoán việc dạy học cho GV càng làm tăng áp lực của GV và HS.
Đã có rất nhiều điều chỉnh trong hoạt động của ngành GD trong thời gian qua, bên cạnh những khó khăn, mất mát của biết bao nhiêu gia đình người dân TP nói chung, của những gia đình nhà giáo nói riêng, nhưng các thầy cô giáo đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng thi đua “dạy tốt, học tốt”.
Cũng không thể phủ nhận chất lượng GD bị ảnh hưởng nhiều bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh kéo dài; một hệ quả không dễ nhìn thấy của dịch bệnh nhưng lại có thể gây nên những tác động lâu dài là việc tâm lý của đội ngũ nhà giáo cũng như của các bậc cha mẹ đều bị ảnh hưởng, trẻ em mất đi sự giao tiếp với xã hội, ảnh hưởng đến tâm sinh lý, cảm xúc xã hội, đặc biệt là ở nhóm trẻ nhỏ.
+ Thưa ông, thời gian tới, hoạt động GD-ĐT TP.HCM làm sao để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa đảm bảo chất lượng dạy học?
Dịch bệnh xảy ra trong bối cảnh kỷ nguyên số đã dẫn tới những thay đổi trong cách thích ứng, vận hành, quản trị xã hội. Để ứng phó với đại dịch, ngành GD cần phải tận dụng cơ hội chuyển đổi số để phát triển.
Cần kiến nghị Trung ương và các bộ, ngành hoàn thiện các chính sách quản lý trong lĩnh vực GD, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán giữa các chính sách từ cao xuống thấp, từ chính sách chung đến các chính sách đặc thù của ngành phù hợp với giai đoạn mới. Dạy học trên internet với hệ thống quản lý học tập kết hợp dạy học trực tiếp là các hình thức dạy học được quy định và chuẩn hóa để được thực hiện chính thống, có sự ổn định, nhằm tạo ra chất lượng thật sự và lâu dài.
Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa nhằm bảo đảm cơ sở vật chất và mọi điều kiện để việc học tập của người học được diễn ra thuận lợi, an toàn.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho các nhóm đối tượng là người dạy, người học, các lực lượng tham gia GD và phụ huynh HS để tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện theo các giải pháp dạy học do ngành GD đề ra.
Thời gian vừa qua đã cho thấy xu hướng chuyển đổi số là lựa chọn tất yếu, nhưng tâm lý của cả GV cũng như phụ huynh HS đều chưa được chuẩn bị khi phải đối mặt với dịch bệnh căng thẳng và kéo dài. Do vậy, cần nhận thức và chấp nhận rằng việc chuyển đổi số trong GD và sự phối hợp hiệu quả các hình thức tổ chức dạy học phù hợp sẽ là một quá trình dài lâu và ổn định.
Bên cạnh các yếu tố cơ sở vật chất đáp ứng việc chuyển đổi số cần có sự tham gia các doanh nghiệp CNTT lớn, đầu tư hạ tầng mạng phủ khắp các địa phương và ổn định dù là ở vùng sâu, vùng xa; cần có những hệ thống quản lý học tập, hệ thống đảm bảo dạy học hiệu quả và người học có đủ thiết bị phục vụ việc học tập trên internet; tăng cường xây dựng những trung tâm hỗ trợ học tập trong cộng đồng dân cư để hỗ trợ HS có hoàn cảnh khó khăn.
Cần có nguồn học liệu điện tử phục vụ dạy học của người Việt và nguồn tư liệu học tập trên các lĩnh vực khoa học được Việt hóa, dễ dàng, thuận tiện và phù hợp khi sử dụng với đặc thù của từng cấp học; cần có các chương trình dạy học qua radio; chuyển phát tài liệu học tập đến tận nhà khi xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng; huy động đội ngũ GV hoặc trí thức về hưu quan tâm và muốn tham gia giúp đỡ HS tại chính cộng đồng họ đang ở để tạo những nhóm nhỏ học tập trẻ nhỏ,…
Không để HS nào bị bỏ lại phía sau do dịch bệnh
+ Trước tác động của đại dịch, hoạt động chăm lo cho cán bộ, GV, nhân viên và các em HS được thực hiện như thế nào, thưa ông?
TP đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách để chăm lo hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong đó có cán bộ, GV, nhân viên và các em HS của ngành GD.
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND TP, Ngành GD đã hướng dẫn các cơ sở GD trực thuộc Sở GD-ĐT, TP.Thủ Đức và các quận, huyện thực hiện các thủ tục và hồ sơ để được hưởng chế độ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương theo quy định.
Ngành GD TP đã thực hiện hỗ trợ, chia sẻ với các cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ ngày 27-4-2021. Đến nay đã chăm lo cho nhà giáo, người lao động và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lên đến 4.455.925.000 đồng.
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho GV trong thời gian HS ngừng đến trường do dịch Covid-19 và GV chuyển sang dạy học theo hình thức trực tuyến, Ngành GD đã ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Sở và phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức, các quận, huyện thực hiện chế độ làm việc cho GV. Cũng như hướng dẫn đơn vị xây dựng phương án quy đổi tiết dạy trực tuyến sang trực tiếp cho GV và hướng dẫn một số nội dung thực hiện chế độ chính sách trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
TP thực hiện chăm lo sức khỏe tinh thần, tâm lý cho GV, nhân viên ngành GD bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là đối tượng HS, nhất là trẻ mầm non. Qua đó, chỉ đạo ngành GD xây dựng các kênh hỗ trợ chăm sóc qua kênh trực tuyến, kênh kết nối giữa GV và phụ huynh HS.
TP cũng kêu gọi các cấp chính quyền, đoàn thể, các tổ chức cá nhân có hoạt động chăm lo cụ thể cho cán bộ , GV, nhân viên và HS ngành GD như: chăm lo các em HS mồ côi cha, mẹ, có hoàn cảnh khó khăn; HS thiếu thiết bị đường truyền dạy học trực tuyến…
Về cơ bản, TP đã thực hiện tốt mục tiêu không để bất kỳ HS nào bị bỏ lại phía sau do dịch bệnh, đảm bảo việc học tập của các em không bị gián đoạn bởi khó khăn.
+ Trước thềm năm mới, ông có gửi lời chúc gì đến toàn Ngành GD TP, phụ huynh HS và các em HS?
Trước thềm năm mới 2022, tôi thân ái gửi đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục và các em HS, sinh viên, lời chúc bình an, hạnh phúc và có nhiều sức khỏe, tiếp tục tinh thần vững vàng, đoàn kết cùng ngành cố gắng hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. Tôi cũng mong muốn các cấp ủy, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các bậc phụ huynh và nhân dân dành sự quan tâm, đồng hành, ủng hộ thiết thực, động viên nhiều hơn và dành sự tôn vinh đối với các thầy, cô giáo, sự yêu thương đối với HS, sinh viên để giáo dục thành phố tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
Năm 2022, tôi mong muốn Ngành GD sẽ nỗ lực cùng với TP thực hiện thành công chủ đề: “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.
+ Xin cảm ơn ông!
Linh Anh (thực hiện)
Bình luận (0)