Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao vừa được ban hành.
Thực hiện chủ trương của Đảng, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm đầu tư và có nhiều chỉ đạo về việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, đặc biệt là đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (đào tạo sau đại học).
Để tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ GD&ĐT tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học tiệm cận với chuẩn mực đào tạo quốc tế, đặc biệt ở các ngành có nhu cầu đáp ứng Cách mạng công nghiệp 4.0.Tuy nhiên, công tác đào tạo nhân lực trình độ cao nói chung, trong đó có đào tạo sau đại học vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc tuyển sinh, tổ chức đào tạo sau đại học nhất là đào tạo trình độ tiến sĩ tại một số cơ sở vẫn để xảy ra sai phạm nhưng chưa được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời; chất lượng của không ít luận án chưa đáp ứng yêu cầu về khoa học và thực tiễn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo sau đại học xây dựng và ban hành đầy đủ các quy định hướng dẫn trong công tác đào tạo sau đại học theo thẩm quyền; nghiêm túc thực hiện chuẩn chương trình đào tạo; quy chế tuyển sinh và đào tạo sau đại học hiện hành; kiện toàn hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong cơ sở đào tạo; thực hiện nghiêm quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo sau đại học, khuyến khích kiểm định theo các tiêu chuẩn của các tổ chức kiểm định khu vực và quốc tế có uy tín.
Đồng thời, thực hiện nghiêm công khai, minh bạch các bước từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, bảo đảm việc phản biện đồng đẳng, sự giám sát của xã hội và các bên liên quan; đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học trong quy trình đào tạo.
Chỉ thị cũng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương – cơ quan quản lý trực tiếp các cơ sở đào tạo sau đại học phải chú trọng công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực, địa phương; ưu tiên đầu tư tạo điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của Bộ GD&ĐT về tuyển sinh và đào tạo sau đại học tại các cơ sở đào tạo trực thuộc; chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị có cán bộ được cử tham gia đào tạo sau đại học tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đào tạo, sử dụng sau đào tạo, đồng thời bảo đảm thực hiện nghiêm túc các quy định.
Thời gian qua dư luận vô cùng bức xúc khi có hàng loạt các luận văn, luận án được cho là không đủ tầm. Hàng loạt các luận án tiến sĩ về cầu lông, yoga, cử tạ… bị chê là vô lý, ấm ớ. Rất nhiều đề tài không thể là một đề tài nghiên cứu khoa học khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Quy trình nghiệm thu một đề tài khoa học, quy trình bảo vệ một luận án tiến sĩ được diễn ra như thế nào? Tại sao lại để lọt những đề tài "vô lý" như thế?. Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – Bộ GD&ĐT khẳng định: "Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành". "Việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo", bà Thủy nói. |
Theo Nghiêm Huê/TPO
Bình luận (0)