“Ngồi lại với nhau hôm nay an toàn, sức khỏe là hạnh phúc to lớn của chúng ta! Hãy chúc mừng nhau và chúc cho một năm mới 2022 bình an, làm ăn thuận lợi, dịch bệnh Covid-19 được khống chế hoàn toàn”.
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Nhâm Dần 2022 thu hút đông đảo người dân du xuân. Ảnh: I.T
Đây là tâm sự chân thành, chung nhất của hầu hết bạn bè, đồng nghiệp và những người thân trong gia tộc nhân dịp họp mặt đầu xuân Nhâm Dần.
1.Thật vậy. Trong năm 2019, 2020 và nhất là năm 2021, có giai đoạn Sài Gòn tĩnh lặng nếu không nói là điêu tàn trước một loại giặc vô hình làm cho lòng người dao động, cướp đi không ít sinh mạng người dân, mỗi ngày số lượng cứ tăng lên. Phố phường, trường học đóng cửa, mọi sinh hoạt của cuộc sống bị đảo lộn, cô lập, các mối quan hệ thân quen không được thể hiện bình thường… Những bài thơ, những câu ca, những tác phẩm nghệ thuật được sáng tác với nhiều cảm xúc khác nhau để động viên người Sài Gòn cùng nhau vượt khó.
Nhưng sự chịu đựng của người dân TP.HCM rồi cũng đến hồi dừng lại. Sau đợt dịch lần thứ tư hoành hành dữ dội nhất cũng là lúc nhà nước ta ra quyết định vắc-xin một cách quyết liệt nhất, góp phần ngăn chặn Covid-19 trên đất nước, TP.HCM bắt đầu hồi sinh, cơ hội kiểm nghiệm cụ thể nhất là dịp Noel và Tết Dương lịch 2022. Từ đó, thành phố dần mở cửa, dòng người trên đường phố đông dần, niềm tin và nỗi vui mừng của mỗi người dân bất luận già trẻ, gái trai bắt đầu rạng rỡ mở đầu cho cái Tết Nhâm Dần diễn ra trong không khí hồi sinh tuyệt vời và nhiều ý nghĩa. Đến với Hội Xuân Tao Đàn, với đường hoa Nguyễn Huệ, với các công viên, các con phố và đặc biệt là các tuyến đường du lịch Vũng Tàu, Đà Lạt, miền Tây, miền Trung, miền Bắc… dòng người như thác đổ, hồ hởi, tươi vui nói lên sức sống mãnh liệt của người Sài Gòn, TP.HCM đang trỗi dậy mạnh mẽ vô cùng.
2.Trong niềm vui chung của TP.HCM và của cả nước nhân ngày đầu xuân ấy, nhà giáo chúng ta nhận được chủ trương mở lại cửa trường sau Tết Nguyên đán, sức sống nhà trường sẽ hồi sinh tưng bừng cùng khí thế của xã hội, học sinh sẽ vui đùa gặp lại bạn bè, thầy cô. Là nhân tố quyết định khí thế hồi sinh của nhà trường, chúng ta cần cảm nhận đầy đủ và sâu sắc những yếu tố cơ bản hình thành nên cuộc hồi sinh của xã hội để phát huy tốt nhất trong nhiệm vụ của mình.
Trước hết là thấm đậm nghĩa tình của cả nước gửi về TP.HCM từ thành thị đến nông thôn, từ ngành y tế đến các ngành sản xuất và dịch vụ, từ lãnh đạo Trung ương đến lãnh đạo các tỉnh thành bạn, các Hội Đoàn, các tổ chức tôn giáo và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Sự năng động và trách nhiệm của lãnh đạo thành phố, của các lực lượng phục vụ nhân dân đã không ngừng lắng nghe, nghiên cứu, giải quyết những tác hại phức tạp của dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đời sống nhân dân mà chưa hề có tiền lệ.
Người dân thành phố thông minh và sáng tạo, hợp tác và chấp hành tốt những quy định phòng dịch, thực hiện hiệu quả nguyên tắc 5K, hưởng ứng chủ trương tiêm chủng vắc-xin, sử dụng tốt những phương tiện có được để phòng dịch, ngăn chặn tác hại của Covid-19 và duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế.
3.Quán triệt sâu sắc những bài học kinh nghiệm ấy khi mở lại cửa trường, nhà giáo chúng ta không những tiếp tục nâng cao trách nhiệm và nghiệp vụ vốn có mà còn phải nhận thức đầy đủ thực tế để bình thường hóa nhà trường trong tình hình mới, trong điều kiện sống chung với dịch bệnh, phát huy tốt những thế mạnh có được qua quá trình chống chọi với dịch bệnh vừa qua. Cụ thể là:
Công cụ dạy học đã khác. Ngoài những thiết bị dạy học truyền thống, công nghệ thông tin là một công cụ quan trọng có lúc đã chiếm vị trí độc tôn trong quá trình dạy và học của thầy và trò. Dịch bệnh đã gây tác hại đến đời sống con người trong nhiều lĩnh vực, nhưng ở một khía cạnh khác đã thúc đẩy nhà trường đổi mới tích cực phương pháp và kỹ năng dạy học theo trào lưu mới của thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo một cách nhanh chóng và hiệu quả. Một năm dạy học online vì Covid-19 bằng 5, 10 năm phát động sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học của nhà trường.
Học sinh tiểu học TP.HCM đã được trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Y.Hoa
Nhận thức của các lực lượng xã hội về giáo dục ngày nay cũng khác. Gia đình gắn bó với nhà trường chặt chẽ và thường xuyên hơn, việc giữ gìn môi trường vệ sinh an toàn cho trẻ ở nhà cũng như ở ngoài xã hội được thực hiện một cách chu đáo hơn từ nguyên tắc 5K. Và nhận thức được sự liên hệ mật thiết trong cộng đồng xã hội, giữa các địa phương, không còn đối phó ngăn cách mà phải có trách nhiệm liên đới lẫn nhau.
Yêu cầu dạy học khác xưa rất nhiều. Qua thời gian dạy học online, hoạt động dạy và học của thầy và trò qua internet không còn là quan hệ đơn điệu một chiều mà tương tác đa chiều; học sinh thu thập được rất nhiều kiến thức, kỹ năng từ sự hướng dẫn của thầy cô qua mạng xã hội, đã là một phương thức dạy học hiện đại đang hình thành trong nhà trường một cách quen thuộc và hiệu quả, cần phải phát huy.
Thông tin về việc bình thường hóa cuộc sống trong tình hình mới, sống chung với dịch vừa được công bố trên nhiều quốc gia. Thực tế tình hình đất nước và thành phố ta đang có chiều hướng khởi sắc, nhà trường chúng ta sẽ có điều kiện hồi sinh.
Năm Nhâm Dần 2022 bắt đầu, nhà giáo chúng ta hy vọng cho một năm mới với sức sống mới dạt dào và mãnh liệt theo khí thế của xã hội địa phương, TP.HCM thân yêu.
TS. Huỳnh Công Minh
(Nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Bình luận (0)