Sau Tết, giá cả các mặt hàng hoa quả, rau củ, thực phẩm tươi sống có tăng so với trước Tết nhưng không tăng cao như mọi năm. Tuy nhiên, cận rằm tháng giêng, giá các mặt hàng này tăng từ 10-30%. Đặc biệt, hoa tươi khá sốt vì ngoài cung ứng cho ngày rằm còn cung ứng cho dịp Valentine.
Tiểu thương bán trầu cau dọc đường Lê Quang Sung (Q.5)
Theo các tiểu thương, sức mua của người tiêu dùng tăng cao là dịp để tăng sức bán, vì thế lượng hàng nhập về khá dồi dào.
Giá tăng nhưng vẫn đông khách
Tại chợ trầu cau trên đường Lê Quang Sung (Q.5), cận ngày rằm tháng giêng, khách ghé mua khá đông. Trầu, cau tươi xanh, mã đẹp bày bán theo buồng, chùm nhỏ và quả lẻ, tùy theo nhu cầu người mua.
Bà Trịnh Thị Tiền, bán cau tại khu vực này 30 năm cho biết: “Đa số khách mua theo chùm nhỏ được trang trí sẵn, đi kèm với lá trầu và vôi đỏ. Một số khách xuất hành đầu năm thường mua cả chùm. Trầu cau là mặt hàng không thể thiếu trong cúng bái, dâng lễ với mong muốn đầy đủ, may mắn vì thế cứ cận Tết, sau Tết, hay mùa cưới hỏi lượng khách đặt mua tăng mạnh. Những ngày cận rằm tháng giêng, số lượng bán ra tăng gấp 2, 3 ngày thường, có khi không kịp lấy hàng về bán”.
Trước nhu cầu tăng cao, giá cũng tăng lên 7.000 – 8.000 đồng/quả cau, so với ngày thường khoảng 5.000 đồng/quả. Cùng với đó, lá trầu được bán 100.000 đồng/kg, bán lẻ khoảng 2.000 đồng/lá.
Người tiêu dùng mua trái cây tại siêu thị BigC (Q.10)
Bà Trần Thị Hai – có thâm niên hàng chục năm bán trầu cau tại đây – chia sẻ, để có đủ hàng bán ngày rằm, bà phải lấy từ 15-20 buồng cau và hàng chục kg lá trầu. Trầu cau lấy từ miền Tây và cả các tỉnh Tây Nguyên. Ưu điểm của mặt hàng này là để được khá lâu, tiểu thương không lo bị hỏng nên thường nhập số lượng lớn để bán.
“Ngày thường tôi bán được khoảng 200 quả cau nhưng rằm tháng giêng bán được 500-600 quả. Hàng lấy về thường bán hết trong thời gian ngắn, nếu có dư cũng không nhiều”, bà Hai cho biết.
Ngoài trầu cau còn phải kể đến các loại trái cây như cam, quýt, bưởi, nho, táo, mãng cầu… cũng được bày bán với số lượng lớn tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, các chợ truyền thống. Tại siêu thị BigC (Q.10), táo gala baby nhập từ Pháp có giá 49.000 đồng/kg, dưa lưới Hà Lan gần 50.000 đồng/kg, dưa hấu giống Nhật 20.900 đồng/kg… Còn các chợ truyền thống, mãng cầu na 80.000 đồng/kg, quýt Hà Nội loại nhỏ 40.000 đồng/kg, loại to 50.000 đồng/kg, thanh long 15.000 đồng/kg, nho Mỹ xanh 320.000 đồng/kg, nho Mỹ đỏ 220.000 đồng/kg…
Bà Phạm Thị Oanh – tiểu thương chợ Phạm Thế Hiển (Q.8) – cho biết, cận rằm, sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh, tương đương các ngày cận Tết. Các loại trái cây nội như cam, quýt, mãng cầu, hồng xiêm, thanh long được người dân mua nhiều. Các mặt hàng nhập khẩu cũng được mua nhiều.
Để đáp ứng thêm nhu cầu người mua, bà Oanh còn đóng gói sẵn các giỏ trái cây, giá từ 500.000-700.000 đồng/giỏ tùy số lượng và loại quả.
“Đa số khách đi lễ chùa thường mua loại đóng gói sẵn do tiện lợi và mẫu mã đẹp”, bà Oanh nói.
Riêng gà (cúng rằm), tăng 20-30.000 đồng/kg nhưng vẫn hút khách. Dọc bến xe Chợ Lớn (Q.5), hàng chục sạp bán gà thịt, gà cúng với số lượng lớn. Đa số là gà thả vườn đến từ các tỉnh miền Tây như Long An, Bến Tre.
“Ngày thường, giá gà trống 100.000 đồng/kg, gà mái 120.000 đồng/kg; còn ngày rằm, gà trống tăng lên 130.000 đồng/kg bằng với giá gà mái nhưng khách mua vẫn đông. Hầu hết khách đặt mua gà làm sẵn, tính cả công làm thì mỗi con dao động từ 250.000-300.000 đồng”, bà Nguyễn Thị Năm, tiểu thương tại đây cho biết.
Nhờ nhu cầu tăng cao nên từ ngày mùng 10 tháng giêng đến nay, trung bình mỗi ngày bà Năm bán được 40 con gà, tăng gấp đôi ngày thường – khoảng 20 con.
“Sốt” hoa tươi
Thị trường hoa năm nay rất “sốt hàng”. Theo các tiểu thương, hoa năm nay vừa cung ứng cho rằm tháng giêng, vừa cung ứng cho lễ Valentine vì thế từ các cửa hàng nhỏ lẻ đến chợ truyền thống, siêu thị đều đông người mua.
Tại các siêu thị, chợ truyền thống, giá bán lẻ hoa ly 230.000 đồng/bó 5 nhánh, cúc đại đóa 80.000 đồng/bó, đồng tiền 150.000 đồng/bó 20 bông, cát tường 90.000 đồng/bó…
Gia cầm bày bán nhiều trước Bến xe Chợ Lớn (Q.5)
Còn chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10), bên cạnh các loại hoa cúc, ly, lay ơn, đồng tiền, cát tường bán cúng rằm; các loại hoa hồng, hướng dương, mẫu đơn, bông bi phục vụ cho dịp Valentine chiếm số lượng không nhỏ. Hầu hết được làm sẵn thành từng bó, tùy loại và số lượng mà có giá khác nhau. Như hồng Đà Lạt, bó 99 bông giá 2,5 triệu đồng, mẫu đơn nhập khẩu 900.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/bó, hồng nhập xen lẫn mẫu đơn 700.000-900.000 đồng/bó, có bó hơn 1 triệu đến vài triệu đồng, bông bi 500.000 đồng/bó…
Bà Trần Thị Dung – chủ cửa hàng hoa Thanh Dung – cho biết: “Hoa tặng ngày lễ Valentine dù giá cả đắt hơn ngày thường từ 10-30% nhưng bán rất chạy. Bên cạnh hoa Đà Lạt, các loại hoa nhập bán được số lượng rất lớn, như hồng Ecuador và mẫu đơn. Đặc biệt, hoa hồng 7 màu dù mau tàn những lại được người mua ưa chuộng vì vẻ đẹp lạ, bắt mắt”.
Trước sức mua tăng cao, hầu hết các sạp hoa ở chợ này đều thuê 2-3 nhân viên cắm hoa và bán.
“Dù có đến 5 người làm và bán nhưng vẫn không kịp vì người mua đông. Người kinh doanh hoa chỉ trông đợi vào các dịp này mới có lợi nhuận, vì thế cửa hàng nào cũng tập trung tăng sức bán”, bà Dung cho hay.
Ngọc Trinh
Bình luận (0)