Sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới và hướng đến chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp là mục tiêu đặt ra trong hoạt động của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) thời gian tới.
Sinh viên ngành công nghệ ô tô (Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng) tại kỳ thi tuyển chọn đầu vào giai đoạn 2 chương trình đào tạo song hành giữa nhà trường và doanh nghiệp
Giảm đầu mối quản lý trường nghề
Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã rất nỗ lực trong tuyển sinh. Theo đó, tính đến cuối năm 2021, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp trên cả nước hơn 1,9 triệu người, đạt trên 85% so với kế hoạch. Trong đó, trình độ TC-CĐ tuyển được hơn 375.000 người, còn lại là trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác. Giống như 3 năm trở lại đây, các ngành nghề tiếp tục dẫn đầu với tỷ lệ tuyển sinh cao là công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, các nhóm ngành dịch vụ (du lịch, nhà hàng, khách sạn…). Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng chỉ rõ nguyên nhân tuyển sinh không đạt chỉ tiêu là do tổ chức đào tạo trực tuyến, việc thực hành, thực tập khó thực hiện. Thêm nữa là công tác tư vấn, hướng nghiệp chưa đạt hiệu quả cao do không được thực hiện trực tiếp…
Thực hiện sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong năm 2021, cả nước giảm 8 cơ sở công lập, gồm 3 trường CĐ và 5 trường TC, còn lại 1.904 cơ sở. Riêng trung tâm giáo dục nghề nghiệp tăng 1. Việc sắp xếp này nhằm từng bước giảm sự trùng lắp về ngành nghề đào tạo cũng như giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư đảm bảo hoạt động hiệu quả các cơ sở. TS. Trương Anh Dũng (Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, hiện Bộ LĐ-TB&XH đang trình Chính phủ xem xét và ban hành đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng đang tiếp tục rà soát, đánh giá và lựa chọn trường nghề có năng lực đào tạo tốt để đầu tư tập trung, đồng bộ theo quy định để đạt tiêu chí của trường nghề chất lượng cao.
Đại diện các trường nghề cũng đồng tình với việc sắp xếp, quy hoạch nhằm hạn chế lãng phí ngân sách, chồng chéo quản lý, bộ máy cồng kềnh. Tuy nhiên, sắp xếp này phải dựa trên đánh giá tổng thể của từng địa phương, tránh tình trạng cào bằng để rồi nơi thừa nơi yếu cơ sở đào tạo. Đặc biệt là các trường TC tuyển sinh tốt cần giữ lại và nâng cấp trường TC lên CĐ đối với các địa phương chưa có trường CĐ.
Học viên nghề bếp thực hiện bài kiểm tra
Ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) nhìn nhận, bên cạnh một số nội dung đã làm được vẫn còn những nội dung chưa đáp ứng yêu cầu như: Vị thế vẫn còn thấp trong xã hội, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực thấp; phân luồng, kết nối doanh nghiệp có tiến bộ nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Từ những hạn chế đó, Bộ trưởng yêu cầu cần có các chương trình cụ thể để đổi mới công tác đào tạo, chú trọng đào tạo mới, đào tạo lại; doanh nghiệp phải đào tạo, tiến tới doanh nghiệp phải trả tiền cho đào tạo; đặt hàng đào tạo; giáo dục nghề nghiệp cần đi trước một bước trong chuyển đổi số.
Hướng đến chuyển đổi số ở trường nghề
TS. Nguyễn Thị Hằng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II) cho rằng chuyển đổi số trong trường nghề là hướng đi đúng trước xu hướng phát triển của công nghệ. Đây là vấn đề sống còn, là điều kiện để tuyển sinh và đào tạo hiệu quả, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường lao động. Trước những yêu cầu đó, hàng năm trường đều thực hiện ký kết đào tạo với doanh nghiệp, với các tổ chức nước ngoài để tạo điều kiện cho người học có môi trường học tập, thực hành tốt hơn. “Trường vừa ký kết hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ với nhiều doanh nghiệp về tự động hóa, cơ khí, giày da và may mặc. Mục đích cuối cùng của hợp tác này là để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số trong doanh nghiệp”, TS. Hằng nói.
Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 – đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu 100% trường CĐ-TC có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia; phấn đấu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên cổng dịch vụ công quốc gia và tích hợp vào cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin điện tử của Bộ LĐ-TB&XH vào năm 2023; phấn đấu 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 số hóa quá trình học tập, kết quả học tập, văn bằng của người học và kết nối, tích hợp dữ liệu lên môi trường số; phấn đấu 100% các trường chất lượng cao là trường học số vào năm 2030. |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hải (Giám đốc dự án, Công ty TNHH MTV Cơ khí Đông Nam) thẳng thắn cho biết, hiện nay một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chậm đổi mới công nghệ, điều này thấy rõ từ công tác quản lý đến tuyển sinh và đào tạo. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng một số trường còn ì ạch, tuyển sinh không được, trong đó có nguyên nhân đào tạo cái mình có chứ chưa thật sự chú trọng đào tạo cái xã hội cần. Trang thiết bị đào tạo cũ kỹ, nghề đào tạo lạc hậu, trong khi doanh nghiệp đã bức phá với một khoảng cách khá xa. Đây cũng là một nguyên nhân không thu hút người học nghề. “Không phải trường nghề nào cũng có đủ nguồn kinh phí để đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại cho thực hành. Nếu có thì cũng chỉ đi sau doanh nghiệp, vì vậy việc hợp tác với doanh nghiệp để san sẻ, hỗ trợ thực hành cho người học là một giải pháp phù hợp. Doanh nghiệp nào cũng muốn sở hữu lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng và nguồn lao động ấy từ chính doanh nghiệp cùng trường nghề đào tạo ra, đây được xem như là đào tạo theo địa chỉ, theo nhu cầu”, ông Hải gợi ý.
TS. Trương Anh Dũng cho biết, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đang phối phợp với các đơn vị hoàn thiện phần mềm kết nối, chia sẻ dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp. Cụ thể là làm việc với một số doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin lớn để nghiên cứu các phương án hợp tác triển khai trong quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Bài, ảnh: Trọng Tri
Bình luận (0)