Sẽ có nhiều khó khăn về công tác đặt hàng đào tạo giáo viên TP.HCM là nhận định được Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nêu ra tại tọa đàm Công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cho TP.HCM do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây.
Nhiều thách thức trong công tác đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho TP.HCM
Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với đặc thù của thành phố
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Bảo Quốc cho hay, tốc độ phát triển của TP.HCM mỗi năm một khác, dự báo nguồn nhân lực trong từng năm cũng biến động. Thực tế tuyển dụng của thành phố ở một số bộ môn rất khó tuyển, rất “khát” giáo viên như ngoại ngữ, công nghệ, tin học, quốc phòng song việc đặt hàng đào tạo giáo viên còn phải đặt ra bài toán về chất lượng chứ không chỉ đơn thuần là số lượng.
Đặc thù của TP.HCM là tuyển dụng theo Nghị định 115 rất công bằng và khách quan. Do đó, với công tác đặt hàng thì cũng vẫn phải thực hiện nghiêm được tính khách quan này. Giả sử thành phố đang đặt hàng là 900 sinh viên thì sau khi ra trường số 900 này còn đáp ứng được hay không?.
Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh lại cho rằng, riêng việc đào tạo giáo viên cốt cán, đại trà cho TP.HCM cần được cập nhật thêm các nội dung chủ trương của TP.HCM, phù hợp với điều kiện thành phố, để không có sự “lệch pha” với quá trình tập huấn thường xuyên của thành phố.
“TP.HCM rất cần nguồn nhân lực giáo viên để tham gia vào nhiều đề án mà ngành giáo dục đang thực hiện như chuyển đổi số, giáo dục thông minh, trí tuệ nhân tạo, tin học quốc tế… Nguồn nhân lực này lại liên quan đến việc đào tạo, bồi dưỡng do chính trường ĐH Sư phạm TP.HCM đào tạo ra và TP.HCM là đơn vị thụ hưởng. Như vậy, muốn phát triển học sinh các kỹ năng theo những đề án trên thì chính thầy cô giáo phải đáp ứng được các yêu cầu năng lực đó. Hiện nay, các đề án đang là bài toán lớn với TP.HCM về nguồn nhân lực”, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM phân tích.
Nêu băn khoăn trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên Chương trình GDPT 2018 tại toạ đàm, ông Lê Duy Tân – Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, dù giáo dục trung học của thành phố đã có sự chủ động, bồi dưỡng giáo viên Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý. Tuy nhiên thực tế triển khai thành phố vẫn mong muốn có đội ngũ giáo viên được đào tạo bài bản, đáp ứng được yêu cầu của chương trình.
Cũng trong Chương trình GDPT 2018, ông Tân thông tin, với chương trình tự chọn TP.HCM rất khát giáo viên ngoại ngữ như Tiếng Đức, Hàn…, rất muốn có biên chế giáo viên giảng dạy ngoại ngữ 2 để hỗ trợ các nhà trường, địa phương phát triển giáo viên khi có nhu cầu.
“Hiện nay giáo viên thành phố đã rất linh hoạt, chủ động, thuần thục trong sử dụng các kênh trực tuyến. Như vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho thành phố ĐH Sư phạm TP.HCM cần quan tâm thêm hạ tầng, phù hợp với điều kiện của thành phố. Trong đó, nên đa dạng hệ thống đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Làm được như thế, phạm vi phối hợp trong công tác đào tạo bồi dưỡng sẽ mở rộng, tiếp cận rộng hơn, sâu hơn đến đội ngũ chứ không chỉ gói gọn về đào tạo chương trình của Bộ GD-ĐT”, ông Lê Duy Tân đề nghị.
Đề xuất thêm, ông Tân mong muốn ĐH Sư phạm TP.HCM xây dựng thêm nhiều chuyên đề bồi dưỡng giáo viên nắm bắt tâm lý học sinh, phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay khi tâm lý học sinh đang có nhiều biến động.
Đào tạo để “giữ chân” giáo viên ở lại trường công
Trong tọa đàm, TS. Huỳnh Văn Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM) đánh giá, việc bồi dưỡng thường xuyên giáo viên nếu được làm thật tốt sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ rất nhanh. Song, vấn đề là làm thế nào để tiếp cận, để bao quát rộng khắp thành phố.
Tại TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện đang tiếp cận đào tạo bồi dưỡng giáo viên theo mô hình cụm thi đua của thành phố. Dù vậy, ngay cả khi thực hiện mô hình này nếu không có sự đều tay sẽ dẫn đến sự phân cấp, phân tầng rất lớn về chất lượng giáo viên.
“Đây là điều mà chúng tôi rất trăn trở. Về lâu dài, tôi cho rằng chúng ta phải làm sao để những giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng đến nơi đến chốn ở trường công lập, trường chất lượng cao của thành phố đứng vững trước các lời mời gọi của trường quốc tế, trường ngoài công lập”, TS. Huỳnh Văn Sơn thẳng thắn.
Việc đào tạo giáo viên phải làm sao phải gắn với đặc thù riêng của thành phố
Riêng với việc đào tạo giáo viên Ngoại ngữ 2, TS. Huỳnh Văn Sơn thông tin, do lộ trình đào tạo 1 ngành sư phạm ngoại ngữ rất cực. Nhà trường chỉ có thể chọn 1 trong 2 ngoại ngữ, do vậy trường đang tính toán lộ trình phát triển, cân nhắc đào tạo sự phạm tiếng Hàn hoặc tiếng Nhật.
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhận định, việc đặt hàng đào tạo bồi dưỡng giáo viên cần phải xây dựng cụ thể, bởi TP.HCM sẽ đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng khác với các tỉnh, thành khác, bao gồm cả bồi dưỡng thường xuyên, nâng chuẩn hay bồi dưỡng đáp ứng chương trình GDPT 2018.
“Mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 là phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Tuy nhiên, việc đào tạo sư phạm, bồi dưỡng hàng năm lại không đề cập đến nội dung này. Khi có nghiên cứu sâu về yêu cầu, nguồn nhân lực, nguồn lao động của thành phố thì sẽ có đặt hàng phù hợp”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP yêu cầu.
Dịp này, Sở GD-ĐT TP.HCM và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã ký kết hợp tác về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
Đỗ Yến Khương
Bình luận (0)