Trao đổi với Giáo dục TP.HCM, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM Hồ Tấn Minh cho hay, năm học 2021-2022, TP.HCM chỉ có 3 trường tiểu học trên địa bàn sử dụng SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”.
TP.HCM chỉ có 3 trường tiểu học sử dụng SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (hình minh họa)
Bao gồm 1 trường ở Q.1, 1 trường ở Q.Bình Thạnh và 1 ở huyện Củ Chi. Còn lại, đa phần các nhà trường đều sử dụng bộ Chân trời sáng tạo.
Trước phản ánh của nhà giáo Đào Quốc Vịnh (Hiệu trưởng Trường TH Tô Hiến Thành, TP.Hà Nội) gửi tâm thư đến Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” không dạy chữ “P” độc lập.
Nhà giáo Đào Quốc Vịnh đánh giá, sai sót này là không thể chấp nhận được vì nó ảnh hưởng tới việc học tập của con em đồng bào các dân tộc. Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu trách cần vào cuộc yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, cụ thể là Tổng chủ biên bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, cần bổ sung ngay việc dạy chữ P, đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách, ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định.
Cạnh đó, nhà giáo Đào Quốc Vịnh cũng nêu ra các địa danh, tên người cụ thể có chữ P đứng trước nguyên âm như ở Lai Châu có các xã Pa Ủ, Pa Vệ Sử, Pa Tần, Pu Sam Cáp, Pa Khóa, Pa Vây Sử, Pắc Ta, Pú Đao, Nậm Pì và khẳng định đó không phải là những từ ngoại lai.
“Hy vọng Bộ trưởng sớm chỉ đạo việc này để các cháu người dân tộc được học chữ P một cách danh chính ngôn thuận bằng hướng dẫn ngay trong SGK, vừa không gây khó cho giáo viên vừa giúp HS học xong lớp 1 biết đọc tên xã, tên trường, tên cha mẹ mình, thậm chí chính tên mình. Chưa kể tên một số dân tộc cũng có chữ P trước một nguyên âm nên việc không dạy chữ P và âm “pờ” là một lỗi nghiêm trọng, vi phạm các quy định của pháp luật đã ban hành kèm theo bảng chữ cái của tiếng Việt”, Hiệu trưởng Trường TH Tô Hiến Thành tha thiết.
Nêu quan điểm về việc sử dụng SGK Tiếng Việt 1 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” đang sử dụng tại các trường TH trên địa bàn TP.HCM, một cán bộ Sở GD-ĐT TP cho hay, trên thực tế âm P rất ít phổ biến. Thực tế, theo chương trình Tiếng Việt năm 2000 SGK Tiếng Việt của Bộ GD-ĐT đã áp dụng việc dạy các âm vần ít xuất hiện được cấu tạo trong bài học, chứ không học âm P đứng riêng.
Phương pháp này tiếp tục được áp dụng trong Chương trình GDPT 2018 ở SGK Tiếng Việt bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” với mục đích giúp giáo viên nhẹ nhàng hơn trong quá trình giảng dạy.
“Ngay từ ban đầu khi triển khai Chương trình GDPT 2018, trong quá trình bồi dưỡng, tập huấn, thầy cô đã được phân tích hướng dẫn về cách thức dạy học này. Giáo viên linh hoạt trong quá trình giảng dạy, không lúng túng. Dù không tách biệt riêng song trong quá trình giảng dạy, giáo viên vẫn cài đặt, hướng dẫn học sinh, dạy đủ bảng chữ cái cho học sinh, vì thế học sinh sẽ vẫn nhận diện được chữ P, vẫn sẽ biết đọc, không ảnh hưởng đến việc nhận biết, phát hiện mặt chữ của học sinh”, vị này thông tin.
Trong cuộc họp giao ban trực tuyến với Bộ GD-ĐT hồi đầu tháng 11-2021, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, qua đánh giá của phụ huynh và công tác kiểm tra của Sở GD-ĐT, dù phải học trực tuyến suốt học kỳ 1 năm học 2021-2022 song đến thời điểm đánh giá, học sinh đã cơ bản biết đọc, biết viết, cơ bản đạt được các yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.
Giang Quân
Bình luận (0)