Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Phát huy truyền thống của những người vì nước, vì dân

Tạp Chí Giáo Dục

Trong kháng chiến, họ đã góp phần làm nên bao chiến công oai hùng; ở thời bình, họ tiếp tục làm những việc thầm lặng vì xã hội, vì cộng đồng.
Hăng say với hoạt động xã hội
Dấu ấn khó quên với chúng tôi về Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến TPHCM là nhiều người đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, đi lại có phần chậm rãi nhưng tinh thần luôn sôi nổi, trẻ trung.
Mỗi khi họp mặt, các thành viên ban chủ nhiệm lại hào hứng không dứt, hết kể về những trận đánh năm xưa đến bàn bạc công tác phát triển hội viên, hiến kế xây dựng TPHCM, hay giữ lửa nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhiều thành viên ban chủ nhiệm đã trên dưới 90 tuổi nhưng vẫn hăng say với công tác hội, với các hoạt động xã hội, hoạt động từ thiện.
Thăm hỏi, tặng quà cho thiếu nhi là việc làm thường xuyên của hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM
Trong kháng chiến cũng như thời bình, hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM luôn xông pha trên tuyến đầu, đặc biệt là đồng hành cùng người dân thành phố phòng chống đại dịch Covid-19. Chẳng hạn, CLB Truyền thống kháng chiến TP Thủ Đức phân công 137 hội viên tình nguyện tham gia trực các điểm cách ly, phân phối hàng hóa.
CLB Truyền thống kháng chiến TP Thủ Đức còn quyên góp, ủng hộ trên 197 triệu đồng mua vaccine ngừa Covid-19, thực hiện các chương trình từ thiện xã hội trên 1,6 tỷ đồng, đóng góp cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức trên 500 triệu đồng và vận động các chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê nhà trên 1,6 tỷ đồng.
“Tuổi đã ngoài 90, chúng tôi sợ Covid-19 lắm chứ! Nhưng vì sức khỏe của người dân, các thành viên CLB phải vào cuộc”, ông Trần Đức Thơ, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, bày tỏ.
Nhiều người dân thành phố vẫn chưa quên hình ảnh các tình nguyện viên mang logo Biệt động Sài Gòn ngày đêm lao vào tâm dịch. Như những chiến sĩ biệt động năm xưa, dấu chân tình nguyện đi vào từng con hẻm nhỏ, gõ cửa từng gia đình và tích cực hỗ trợ, giúp đỡ người dân.
Những con số của “chiến sĩ biệt động” giúp dân phòng chống dịch bệnh thật ấn tượng. Các tình nguyện viên chuyển vào vùng dịch 100 máy đo huyết áp, 40 máy thở gia đình, 1.000 túi thuốc điều trị F0, 1.000 phần thuốc Đông y, tư vấn cho 25.000 ca F0 trên địa bàn thành phố.
Đồng thời, 50 tấn lương thực, mì gói, 450 tấn rau củ quả và 1.200 phần quà, sữa được chuyển đến cho các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mồ côi, khu trọ công nhân… CLB Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định còn trao 23 máy trợ thở cho Trung tâm Y tế huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) – nơi thành lập Tiểu đoàn Quyết tử 950 trong kháng chiến chống Pháp.
Ông Dương Quang Hà, Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM, nhận xét, những việc làm thiết thực của hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM và các CLB Truyền thống kháng chiến thành viên đã tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong nhân dân với quyết tâm chống đại dịch, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường, góp phần thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế.

Không chọn an nhàn
Bà Hoàng Thị Khánh, Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM, chia sẻ, một trong những điểm nhấn của CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM trong nhiệm kỳ 2017-2022 là công tác xây dựng CLB và phát triển hội viên, với 4.252 hội viên được kết nạp mới.
Phần lớn hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM tuổi đã cao, nhưng họ không chọn an nhàn mà luôn đau đáu với sự phát triển thành phố, quan tâm đến cuộc sống người dân. Hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM và hội viên 51 CLB Truyền thống kháng chiến thành viên tích cực tham gia các hoạt động về công tác chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, ái hữu nội bộ, từ thiện xã hội và tham gia công tác địa phương. 5 năm qua, các hội viên CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM tích cực tham gia các phong trào, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh tại địa phương; đóng góp xây dựng 113 nhà “tình nghĩa, tình thương” trị giá hơn 7,4 tỷ đồng.
CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM trao tặng quỹ tình nghĩa cho đại diện Ban Liên lạc cựu tù Chính trị và tù binh quận Bình Thạnh
Hội viên của 51 CLB thành viên cũng đã trực tiếp đóng góp và vận động các nhà hảo tâm đóng góp hơn 31,1 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội, từ thiện… Nhiều CLB Truyền thống kháng chiến cấp phường và cấp quận đã thành lập “Quỹ giúp đỡ đồng đội”, “Quỹ ái hữu” nhằm chủ động nguồn quỹ để giúp đỡ, chăm lo hội viên gặp khó khăn đột xuất và hỗ trợ, cho hội viên vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, hội viên các CLB Truyền thống kháng chiến còn chủ động tham gia công tác địa phương, mang những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình làm việc để phục vụ người dân. Nhiều hội viên đảm nhận các nhiệm vụ nòng cốt ở cơ sở, với áp lực công việc cao, như bí thư chi bộ, thành viên ban điều hành khu phố… Những hội viên tham gia công tác quản lý đều nhận được sự tin tưởng, tín nhiệm cao của người dân.
Hôm nay 28-11, CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V, nhiệm kỳ 2022-2027. Đây là dịp để CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2017-2022 và hoạch định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022-2027, nhằm tiếp tục phát huy tinh thần tuổi càng cao, trí càng cao của thế hệ đã trui rèn qua khói lửa chiến tranh, tiếp tục có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố.
CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM hiện có 51 CLB Truyền thống kháng chiến thành viên. Trong đó, có 29 CLB Truyền thống kháng chiến khối – với 10.092 hội viên, và 22 CLB Truyền thống kháng chiến quận, huyện – với 24.115 hội viên.
Nhiều CLB Truyền thống kháng chiến đã trở nên quen thuộc, khắc sâu dấu ấn vào lòng người dân thành phố như CLB Truyền thống kháng chiến khối Vũ trang – Biệt động Quân khu Sài Gòn – Gia Định, khối Lữ đoàn 316 Đặc công Biệt động, khối Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam, khối Binh vận…
 
TRẦN YÊN (theo SGGP)

Bình luận (0)