Đây là khẳng định của các chuyên gia, bác sĩ tại Hội thảo chuyên đề “Hệ sinh thái y tế số Việt Nam”vừa được tổ chức tại TP.HCM. Sự phát triển của hệ sinh thái y tế số sẽ chia sẻ gánh nặng với ngành y tế hiện tại.
Bác sĩ Đỗ Thị Tường Anh – Giảng viên Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch – cho rằng: “Dịch Covid-19 bùng phát mới thấy hệ thống y tế còn nhiều hạn chế, nhất là ở tuyến cơ sở. Trong bối cảnh này, nếu có các ứng dụng chăm sóc sức khỏe triển khai đến các quận, huyện, phường xã thì quá trình nhận bệnh, phân loại bệnh nhân sẽ không quá khó khăn”.
Trong đợt dịch Covid-19 ở đỉnh điểm, nhóm thiện nguyện của bác sĩ Tường Anh đã kết nối, xây dựng và đưa vào hoạt động thành công chương trình “SpO2 tại nhà”. Chương trình được xây dựng trên một phần mềm, cho phép người bệnh, thân nhân người bệnh gọi đến tổng đài, tình nguyện viên sẽ kết nối với bác sĩ để tư vấn, phân loại, lập danh sách, từ đó có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp.
“May mắn là chúng tôi có một đội ngũ tình nguyện viên am hiểu công nghệ, cùng chung tay vì bệnh nhân. Nhờ đó mà “Chương trình SpO2 tại nhà” được Sở Y tế TP chấp nhận và tạo điều kiện triển khai đến các quận 6, 10 và Bình Tân. Nếu không có các ứng dụng công nghệ thì với đội ngũ tình nguyện viên, bác sĩ của chương trình dù có đông nhưng cũng không thể theo dõi, điều trị và chăm sóc cho khoảng 4.000 bệnh nhân. Như vậy, nếu ở cơ sở y tế, y tế số được đưa vào vận hành sẽ giảm mạnh về chi phí cũng như giải quyết được bài toán nhân lực; quá trình theo dõi và điều trị bệnh cũng hiệu quả hơn”, bác sĩ Tường Anh nói.
Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, y tế số giúp giải quyết được nhiều vấn đề mà ngành y đang gặp phải. PGS.TS. Hồ Thanh Phong – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết, y tế số đã được một số đơn vị thực hiện, tuy nhiên chi phí khám, chữa bệnh còn cao. Nếu được triển khai rộng, ứng dụng trong việc tiếp nhận, phân loại bệnh nhân, theo dõi bệnh từ xa, bệnh nhân dù ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận với dịch vụ y tế. Qua đó giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên, giảm áp lực cho đội ngũ. Tuy nhiên, mỗi cơ sở, địa phương phải có kết nối wifi, 3G, 4G…
Ông Huỳnh Kim Tước – Giám đốc điều hành SIHUB (Sở Khoa học – Công nghệ TP) – nhìn nhận, hệ sinh thái y tế số sẽ góp phần giải quyết gánh nặng y tế, trước hết là về nhân lực. Hiện tại Việt Nam đã có nhiều ứng dụng chăm sóc sức khỏe nhưng chưa phủ hết, nhất là ở các quận, huyện, phường, xã.
Xung quanh vấn đề này, ông Vũ Thái Hà – Giám đốc vận hành EDoctor – khẳng định, hệ sinh thái y tế số là xu thế chung của thế giới. Tại Việt Nam, để hệ sinh thái y tế số phát triển cần có các chính sách cụ thể, thói quen của bệnh nhân cần thay đổi. Riêng đội ngũ y bác sĩ phải tham gia y tế số, nâng cao công nghệ…
“Dịch Covid-19 cho thấy nhu cầu về y tế số trở nên cần thiết hơn. TP.HCM có nhiều thuận lợi để ứng dụng y tế số, trong đó Quyết định 2297/QĐ-UBND ban hành ngày 24-6-2021 về việc phê duyệt Đề án Phát triển Y tế cộng đồng thực hiện bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân TP.HCM giai đoạn 2021-2030 là một cơ sở”, ông Hà nhấn mạnh.
A.Trần
Bình luận (0)