Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM yêu cầu nhà trường tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra cuối HKI

Tạp Chí Giáo Dục

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu nhà trường tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kì đối với học sinh, không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu nhà trường không gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình trong kiểm tra cuối HKI

Trao đổi về công tác kiểm tra định kỳ cuối học kỳ 1 cấp tiểu học năm học 2022-2023, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc cho hay, thời gian kiểm tra do các phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn các trường tiểu học sắp xếp cho hợp lý, phù hợp, cân đối giữa các khối lớp theo kế hoạch năm học. Phòng giáo dục và đào tạo có thể linh hoạt bố trí tránh cận các ngày lễ. Thời gian tổ chức kiểm tra định kỳ các môn học và hoạt động giáo dục ở bậc tiểu học được căn cứ vào phân phối chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng của từng khối lớp.

Ông nhấn mạnh: Việc kiểm tra, đánh giá hướng đến vì sự tiến bộ của học sinh, coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong học tập, rèn luyện của học sinh, giúp phát huy nhiều nhất khả năng, năng lực; đảm bảo kịp thời, công bằng, khách quan. Tuyệt đối không tạo ra áp lực kiểm tra định kì đối với học sinh, chỉ xem như một hoạt động đánh giá định kỳ thông thường hằng ngày dành cho các em.

Đặc biệt, ông Nguyễn Bảo Quốc đề nghị các trường tiểu học cần xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, có kế hoạch phụ đạo riêng cho học sinh tiếp thu kiến thức còn chậm và gặp khó khăn trong học tập. Nhà trường cần thông báo lịch kiểm tra, phối hợp cùng gia đình nhằm chuẩn bị các điều kiện học tập thật tốt cho học sinh.

"Nhà trường tuyệt đối không chạy theo thành tích để đối phó, gây áp lực, tạo không khí căng thẳng, nặng nề cho giáo viên, học sinh và gia đình các em. Việc tổ chức ôn tập phải được thực hiện ngay trên lớp học, không giao bài tập về nhà đối với lớp học 2 buổi/ngày; không soạn đề cương, bài mẫu bắt buộc học sinh làm, không tổ chức học thuộc lòng bài mẫu. Giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh cách tự học, ôn tập" – ông Nguyễn Bảo Quốc yêu cầu.

Đối với các khối lớp 1, 2, 3 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc đề nghị, việc tổ chức kiểm tra định kỳ phải phù hợp yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018 đối với từng khối lớp, từng mạch kiến thức, kỹ năng và cách triển khai các mạch này trong sách giáo khoa mà nhà trường đang sử dụng. Giáo viên cần soạn ma trận đề trước khi soạn đề kiểm tra. Ma trận đề cần được tổ chuyên môn thống nhất, cán bộ quản lý xem và góp ý, phê duyệt trước khi có thể sử dụng để biên soạn đề.

Trong đó, ông nêu rõ câu hỏi, bài tập trong đề được thiết kế theo 3 mức độ: nhận biết, kết nối, vận dụng, giúp học sinh có thể nhắc lại, sắp xếp các nội dung kiến thức đã học để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập, một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống.

Yến Hoa

Bình luận (0)