Không còn cảnh nhộn nhịp so với tuần trước, các cửa hàng kinh doanh vàng tại TP.HCM đã bớt người ra kẻ vào. Khách hàng đến giao dịch chủ yếu là mua vào nhỏ lẻ chứ không phải ồ ạt bán ra như trước.
Thời gian qua, thấy vàng tăng giá nhiều người dân đổ xô đi mua – bán. Ảnh: I.T
Ghi nhận tại các cửa hàng kinh doanh vàng ở khu vực Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), lượng khách đến giao dịch trong ngày không nhiều. Ông Nguyễn Văn Phát, hộ kinh doanh vàng tại đây cho biết, nếu như trong các ngày 7 và 8-3, mỗi ngày đón hàng trăm lượt khách đến giao dịch thì nay chỉ còn vài chục người. Khách hàng chủ yếu là bán ra để kiếm lời, cứ 10 lượt giao dịch thì có đến 8 lượt bán ra, còn lại là mua vào nhỏ lẻ.
Tương tự, các cửa hàng kinh doanh vàng tại khu vực Tân Định (Q.1) cũng vắng vẻ hơn so với tuần trước. Bà Nguyễn Thị Hà – hộ kinh doanh vàng Kim Nguyên – cho biết, tuần trước cửa hàng phải tăng cường nhân viên bán, bảo vệ từ các chi nhánh đến nhưng hiện nay khách thưa hẳn, mọi thứ trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Hồng (P.Tân Định, Q.1) – người bán vàng – chia sẻ: “Cuối năm 2021, tôi mua vào chỉ khoảng 58 triệu đồng/lượng, vừa rồi bán ra kiếm lời cũng kha khá nhưng đến nay chưa mua lại vì có thể giá vàng sẽ giảm sâu trong thời gian tới…”.
Theo giới đầu tư vàng, việc mua bán nhỏ lẻ thì còn có ăn chứ đầu tư lớn khó tránh rủi ro, nhất là tình hình thế giới như hiện nay. Ông Nguyễn Thanh Phú (P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú) khẳng định, với giá vàng tăng, giảm chưa từng xảy ra như vừa qua thì chỉ có doanh nghiệp kinh doanh vàng hưởng lợi. Mua vào ngày 7-3 giá 73,5 triệu đồng/lượng nhưng bán ra ngày 8-3 chỉ có 70,2 triệu đồng/ lượng, tức lỗ 3,3 triệu đồng/lượng và đã có không ít người ngậm đắng.
Với kinh nghiệm nhiều năm “lướt sóng”, ông Phú nhận định một khi giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới thì các nhà đầu tư sẽ gặp nhiều rủi ro. Thực tế, giá vàng trong nước tăng hay giảm tùy thuộc vào tỷ giá ngoại tệ mà cho dù tỷ giá ngoại tệ được duy trì ở mức ổn định thì vẫn có thể có biến động. Hơn nữa, tình hình chiến sự giữa Nga – Ukraine tiếp tục căng thẳng, có thể sắp tới giá vàng thế giới bị đẩy lên, kéo theo giá vàng trong nước tăng lên. Ngược lại, tình hình chiến tranh hạ nhiệt thì giá vàng thế giới sẽ giảm sâu, kéo giá vàng trong nước đi xuống. Vì vậy việc mua vào hay bán ra trong thời gian này cũng nên cân nhắc kỹ.
“Giá vàng trong nước “nhảy múa” liên tục và mức chênh lệnh giữa bán – mua còn cao thì người mua sẽ gặp nhiều rủi ro. Mức chênh lệch nằm trong khoảng 300.000 – 350.000 đồng được xem là ngưỡng an toàn”, ông Phú nói.
Trong khi đó, ông Phát lại cho rằng, việc tăng hay giảm là do doanh nghiệp kinh doanh vàng quyết định, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn. Người mua nhiều thì đẩy giá lên cao, ngược lại nhiều người bán thì giá lại kéo xuống. Nhỉn lại các phiên giao dịch ngày 7 và ngày 8-3 sẽ thấy rõ. Ở ngày 7-3, giá vàng miếng SJC là 73,5 triệu – 74 triệu đồng/lượng, tức tăng khoảng 3,5 triệu – 4 triệu đồng/lượng nhưng sang ngày 8-3 thì giảm khoảng 1,5 triệu đồng (bán ra khoảng 72 triệu đồng và mua vào chỉ còn 70,2 triệu đồng).
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, giá vàng trong nước tăng bất thường do nhiều nguyên nhân từ bên trong lẫn bên ngoài. Cụ thể là là do Mỹ tham gia vào cuộc căng thẳng giữa Nga – Ukraine; nguồn cung trong nước hạn chế; nhiều nhà kinh doanh vàng lợi dụng để tăng giá… Đây cũng là nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước cao so với thế giới. Thông thường, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới ở khoảng 2 triệu đồng/lượng là hợp lý. Tuy nhiên có thời điểm mức chênh lệch này lên đến xấp xỉ 20 triệu đồng/lượng.
“Nếu khắc phục hoặc giảm thiểu các nguyên nhân trên thì giá vàng sẽ hạ. Nếu người không am hiểu về thị trường vàng mà cố gắng tham gia đầu tư sẽ gặp rủi ro lớn, nhất là trong bối cảnh tác động từ bên ngoài như hiện nay”, ông Long khuyên.
A.Trần
Bình luận (0)