Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT có nhiều điểm mới, trong đó nổi bật nhất là từ lớp 10 ngoài những môn bắt buộc học sinh sẽ được tự chọn môn học.
Những môn học bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn theo nhóm Khoa học xã hội gồm (Kinh tế và Pháp luật, Lịch sử, Địa lí), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mỹ thuật). Ngoài môn học bắt buộc, học sinh phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) chia sẻ, chỉ còn 6 tháng nữa các trường THPT sẽ bắt đầu áp dụng chương trình mới đối với lớp 10 nhưng đến thời điểm này mới chỉ giới thiệu SGK, giáo viên chưa tập huấn xong. Việc tập huấn SGK rất cần được triển khai sớm để giáo viên nghiên cứu, dạy thử và có ý kiến với các nhà xuất bản.
Ông Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, thời điểm này nhà trường đang chuẩn bị cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên vẫn đang được bồi dưỡng, tập huấn về SGK mới để dạy trong năm học tới. Điểm mới của chương trình là học sinh sẽ tự chọn môn học nhưng phải đi vào dạy học thực tế mới đánh giá được nhu cầu của các em để sắp xếp giáo viên đứng lớp. Ông Hà cũng cho rằng, khó khăn trước mắt là thiếu giáo viên ở một số bộ môn và chờ hướng dẫn của cấp trên mới có thể thực hiện.
Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 1, TP Thanh Hóa Lê Văn Dị nói, Nghệ thuật là môn học mới, học sinh được quyền lựa chọn nên sẽ có tình trạng cả khối chỉ có 15-20 em đăng ký. Khi đó, nhà trường cũng sẽ phải ký hợp đồng với 1 giáo viên từ THCS lên dạy. Thực tế, rất khó ký hợp đồng với giáo viên môn học vì mỗi giờ dạy chỉ được trả khoảng 50.000 đồng. Số tiền thấp, lại có 1-2 tiết, bất đắc dĩ giáo viên mới chấp nhận.
Theo Hà Linh/TPO
Bình luận (0)