Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi làm việc với UBND TP.Đà Nẵng về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022, định hướng phát triển GD của TP và các vấn đề liên quan đến dự án Làng ĐH Đà Nẵng. Buổi làm việc diễn ra cuối tuần qua…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn kiểm tra thực tế tại Dự án làng ĐH Đà Nẵng
Đầu tư nhiều cho GD nhưng chưa tương xứng
Báo cáo tại buổi làm việc, bà Lê Thị Bích Thuận – Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng – cho hay, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên suốt một thời gian dài của năm học 2021-2022, HS không thể đến trường, lễ khai giảng và việc triển khai tổ chức dạy học năm học mới phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến… Bắt đầu từ 25-10-2021, Đà Nẵng thực hiện lộ trình mở cửa trường học, đón HS trở lại trường học trực tiếp. Đến nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp cũng như việc chủ động chuyển đổi hình thức trực tiếp – trực tuyến đã được các trường tiến hành có nề nếp, dần ổn định tình hình dạy – học.
Đà Nẵng đã phê duyệt Đề án Xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025. Cụ thể: Xây dựng mạng lưới trường, lớp đến năm học 2025-2026 có 452 đơn vị, trường học với khoảng 339.315 HS. Đà Nẵng hiện có 238 trường mầm non, mẫu giáo, 109 trường tiểu học, 64 trường THCS, 38 trường THPT và phổ thông liên cấp, 3 trung tâm GDTX; trong đó có 270 trường công lập (tăng 18 trường so với năm học 2019-2020) gồm 78 trường mầm non, mẫu giáo (tăng 5 trường), 103 trường tiểu học (tăng 5 trường), 62 trường THCS (tăng 5 trường), 24 trường THPT và phổ thông liên cấp (tăng 3 trường), 3 trung tâm GDTX.
Theo bà Ngô Thị Kim Yến – Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng, Đà Nẵng có điều kiện tương đối thuận lợi để phát triển GD. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn trong đầu tư và phát triển cơ sở vật chất trường lớp. Sĩ số HS/lớp của nhiều trường vẫn còn cao với khoảng 45 HS/lớp.
“Nếu không quyết liệt để theo đuổi chỉ tiêu 35 HS/lớp, về lâu dài sẽ bị tụt hậu. Dự kiến đến năm 2025, chỉ tính tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, mỗi năm Đà Nẵng phải tăng thêm một trường tiểu học. Nếu tính cả việc giảm sĩ số HS/lớp từ 45 em xuống còn 35 em, cộng thêm tỷ lệ tăng dân số cơ học thì mảng tiểu học phải tăng thêm 4 trường/năm. Đó là chưa kể nhiều trường tiểu học không đủ diện tích sân chơi, thiếu phòng bộ môn…. Quỹ đất của Đà Nẵng cũng hạn chế”, bà Yến tâm tư.
Theo đó bà Yến kiến nghị được nâng tầng, thay vì xây dựng trường tiểu học 3 tầng thì nâng thành 4 tầng, trong đó tầng 4 được sử dụng làm phòng bộ môn.
Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng – thông tin thêm, thời gian qua, Đà Nẵng đã dành nguồn kinh phí hằng năm cho GD lớn nhất. Riêng năm 2022, dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng TP đã dành 2.190 tỷ đồng chi thường xuyên cho GD, chiếm 30% chi thường xuyên của toàn TP, chưa kể 550 tỷ đầu tư cho GD. Trong hai năm vừa qua, hoạt động GD-ĐT cũng thích nghi phù hợp với dịch bệnh; đồng thời, bên cạnh chính sách chung của Chính phủ, HĐND TP cũng đã có chính sách riêng cho GD như: miễn học phí, hỗ trợ giáo viên mầm non… Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển GD vẫn chưa thỏa đáng.
Ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của GD-ĐT Đà Nẵng trong những năm qua nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Đà Nẵng phải có nền GD-ĐT tương xứng vị trí số 1 của miền Trung, tạo ra động lực cho sự phát triển. Phải đặt mục tiêu chất lượng, phát triển theo chiều sâu. Trong chiến lược phát triển toàn diện của TP nên chú trọng đến quy hoạch phát triển GD, dự báo trước nhu cầu nhân lực trong tất cả các ngành của TP trung và dài hạn. Bên cạnh đó, cần sắp xếp lại hệ thống trường mầm non, tiểu học để tính toán nguồn lực. Hệ thống trường lớp, ngoài đáp ứng nhu cầu bình thường cần tính đến phát triển GD mũi nhọn, tài năng, năng khiếu. GD tài năng, mũi nhọn của Đà Nẵng hiện vẫn còn mờ nhạt. Trong quy hoạch phải tính đến chuẩn cao hơn mặt bằng chung. Không gian GD không chỉ là trường học mà còn có cả vui chơi, giải trí của HS và người dân. Quy hoạch tổng thể liên quan đến hoạt động của GD như bảo tàng, khu vui chơi, mạng lưới các trường ĐH. Ngoài quy hoạch tổng thể, phải dành một nguồn lực lớn để đầu tư cho GD mới có thể xứng tầm với vị thế của TP động lực miền Trung…
Dự án Làng ĐH Đà Nẵng không thể chậm trễ
Đối với dự án Làng ĐH Đà Nẵng, theo UBND Đà Nẵng, dự án có 110ha thuộc địa phận Đà Nẵng. Dự án được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1997, tổng diện tích 300ha, trong đó Quảng Nam 190ha, Đà Nẵng hơn 110ha. Đến ngày 25-2-2019, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Nhiệm vụ quy hoạch phân khu 1/2000” với quy mô khoảng 286,5ha, gồm 96,5ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) tại Quyết định 227/QĐ-TTg. Đến nay đã giải phóng mặt bằng được 79ha/110ha thuộc địa phận Đà Nẵng. Hiện có 3 đơn vị đã sinh hoạt trong dự án Làng ĐH Đà Nẵng gồm: ĐH CNTT-TT Việt Hàn, Trung tâm GD Quốc phòng, Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng) với khoảng 4.000 sinh viên. Bên cạnh đó, đang xây dựng tòa nhà làm việc của ĐH Sư phạm Kỹ thuật, tòa nhà của Khoa Y dược (ĐH Đà Nẵng) đang được hoàn thiện, dự kiến cuối tháng 4-2022 sẽ bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây là 2 tòa nhà thuộc công trình cấp thiết 200 tỷ đồng mà Bộ GD-ĐT đã bố trí vốn. Hiện còn 31ha bên địa phận Đà Nẵng chưa được giải phóng mặt bằng do vẫn còn nhiều vướng mắc. ĐH Đà Nẵng đang phối hợp với các đơn vị chức năng của địa phương tiến hành làm việc, đảm bảo việc đền bù, giải phóng mặt bằng và xây dựng các công trình thiết yếu.
Theo ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND Đà Nẵng, với phần diện tích đất sạch đã bàn giao, ĐH Đà Nẵng cần khẩn trương thi công, nếu không sẽ bị tái lấn chiếm. Việc thi công chậm trễ sẽ tạo sự bức xúc cho người dân khi phải sớm thực hiện giải tỏa nhưng đất lại không được xây dựng.
Xung quanh vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng khẳng định: “Chỉ trong 2 năm, địa phương đã giải quyết một khối lượng lớn công việc liên quan đến dự án bằng thời gian của 20 năm qua. TP đã thống nhất dùng kinh phí của địa phương để xây dựng khu tái định cư và thu lại nguồn kinh phí trên từ việc thu tiền sử dụng đất của các hộ dân nhận đất tái định cư. Đây là việc làm chưa từng có nhưng nhờ vậy đã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng”.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, Dự án Làng ĐH Đà Nẵng là khu chức năng đặc thù, trung tâm GD-ĐT, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia, quốc tế, được quy hoạch theo hướng đô thị thông minh, đô thị xanh. Không thể chậm trễ hơn nữa với dự án này. Đà Nẵng nên hỗ trợ một số hạng mục có liên quan đến dự án; đồng thời cần tính đến hạ tầng đáp ứng được những dịch vụ có liên quan cho hàng ngàn sinh viên khi quy mô của ĐH Đà Nẵng được mở rộng.
Vĩnh Yên
Bình luận (0)