Sơ đồ do một nhóm học sinh thực hiện
Đây là sáng kiến của cô Lê Thị Thúy (giáo viên môn công nghệ Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM) khi cho học sinh vẽ sơ đồ từ khổ giấy A0 trong môn công nghệ. Theo đó, học sinh chia thành nhóm (mỗi nhóm từ 2-4 em) vẽ sơ đồ từ chương trình “Động cơ đốt trong” của môn công nghệ lớp 11. Trong sơ đồ, các em không viết nhiều nội dung bài học mà chỉ thể hiện lại bằng hình ảnh. Không chỉ có hình ảnh liên quan nội dung trong chương trình học, các em còn mở rộng từ kiến thức thực tế. Đặc biệt, các em nhấn mạnh vào kiến thức về cơ cấu trượt, xoay, các mô hình và mã QR. Cô Thúy cho biết trong nhóm, mỗi em đảm nhận 1 phần nội dung bài học để thực hiện sơ đồ. Những em phụ trách ít nội dung sẽ kiêm thêm vai trò làm MC hoặc hướng dẫn các bạn tham gia phần trò chơi củng cố kiến thức sau chương trình học. “Hệ thống hóa kiến thức thông qua hình ảnh, mô hình như thế này giúp các em nắm kỹ bài, dễ nhớ, dễ thuộc. Bên cạnh đó, thông qua sơ đồ, các em còn có thể phát triển nhiều kỹ năng trong việc giải quyết vấn đề; kỹ năng thuyết trình; nghiên cứu chuyên sâu… Từ đó, các em sẽ cảm thấy tự tin hơn trong thuyết trình, truyền đạt lại nội dung mình đã thu thập được cho người nghe dễ hiểu. Với cách học này, học sinh rất hào hứng và thích thú, không còn cảm thấy môn công nghệ khô khan, khó học”, cô Thúy nhấn mạnh.
Hồ Trinh
Bình luận (0)