Nhạc sĩ Giao Tiên, Bảo Thu, Đài Phương Trang… chia sẻ kỷ niệm của những sáng tác nổi tiếng như “Nhớ người yêu”, “Nếu xuân này không có anh”… trong buổi họp báo công bố đêm nhạc vào tối 22/11, tại TPHCM.
Từ trái qua: Nhạc sĩ Nguyễn Vũ, Giao Tiên, Bảo Thu, Đài Phương Trang và Mạnh Quỳnh
“Nhớ người yêu” từng bị chê dở nhưng mang lại nhà lầu, xe hơi
Nhạc sĩ Tô Hiếu tổ chức đêm nhạc Tìm nhau trao yêu thương nhằm gây quỹ hỗ trợ các nhạc sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm bệnh tật. Chương trình quy tụ 5 nhạc sĩ nổi tiếng tham gia: Giao Tiên, Đài Phương Trang, Bảo Thu, Nguyễn Vũ và Mạnh Quỳnh. Trong sự kiện giới thiệu đêm nhạc vào tối 22/11, các nhạc sĩ nhắc về kỷ niệm gắn với những ca khúc nổi tiếng của họ.
Nhạc sĩ Bảo Thu nổi tiếng với bài Nếu xuân này vắng anh, nhưng ban đầu ông không nghĩ bài hát này được yêu thích đến vậy. “Tôi viết chỉ trong 1 tiếng, và không dám đưa ca sĩ nổi tiếng, mà đưa cho ca sĩ mới. Nếu lỡ ca khúc dở, không được khán giả đón nhận thì bản thân cũng đỡ xấu hổ. Nhưng không ngờ ca khúc này lại thành công”, ông chia sẻ.
Nhạc sĩ Giao Tiên nói thời ông và các đồng nghiệp viết nên những nhạc phẩm bất hủ trên họ đều còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Có bao nhiêu cảm xúc bên trong, họ đều "bung" ra hết. Có lẽ, nhờ dồi dào cảm xúc nên các sáng tác thành công. Sau này, ông và đồng nghiệp mới có nhiều kinh nghiệm hơn, biết đặt để mọi thứ, chỉnh sửa cho phù hợp.
Ca sĩ hát sai lời
Các nhạc phẩm nổi tiếng này tồn tại qua hàng chục năm. Các nhạc sĩ phản ánh trong nhiều phiên bản ca sĩ hát sai lời. Theo họ, việc này làm thay đổi ý nghĩa của câu hát, đôi khi sai nghiêm trọng.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang bộc bạch: “Tôi có một bài mang tựa đề Người yêu cô đơn, nhưng giờ ít ai giới thiệu lắm. MC cứ hay giới thiệu tên của nó là Đời tôi cô đơn. Đến ca sĩ lại hát: “Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”. Tôi nghe câu đó tôi choáng váng liền. Văn phong, chữ nghĩa Việt Nam của mình không có như thế. Tôi viết chính xác là: “Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn”. Như thế, câu mới có ý nghĩa”.
Nhạc sĩ Đài Phương Trang mong ca sĩ luôn chú ý, tìm hiểu để hát đúng lời
Trong khi đó, nhạc sĩ Nguyễn Vũ cho biết bài hát Bài thánh ca buồn của ông cũng thường xuyên bị hát sai nhiều chỗ, làm thay đổi hẳn ý nghĩa. Chẳng hạn, ông viết “Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt” nhưng ca sĩ thường hát: “đẹp thêm đôi mắt”. Câu “Cùng nhau quỳ dưới chân chúa cao sang” mới đúng vì trong đạo Công giáo có lễ hôn chân chúa, nhưng họ hay hát “dưới tượng chúa cao sang”. “Rồi những đêm thế trần đón Noel”, chứ không phải “giáo đường/thánh đường đón Noel”, như thế sẽ lặp từ trong chính câu hát này, không hay”. Theo nhạc sĩ, đêm Noel không phải là đêm của những người có đạo nữa, mà cả thế giới, theo đạo nào cũng có thể chung vui…
Vì thế, các nhạc sĩ mong ca sĩ, BTC các chương trình cần kiểm tra cẩn trọng, để hát, giới thiệu tên bài cho chính xác.
Đêm nhạc được tổ chức với mục đích thiện nguyện, giúp đỡ nghệ sĩ khó khăn nên các nhạc sĩ hào hứng tham gia. Bên cạnh đó, nhiều ca sĩ cũng chung sức như: Chế Thanh, Kim Thoa, Lưu Chí Vỹ, Phương Anh… Các nhạc sĩ, ca sĩ tham gia chương trình Các ca khúc được sử dụng trong đêm nhạc gồm có: Bài thánh ca buồn, Bài cuối cho người tình (Nguyễn Vũ); Đưa em vào vườn địa đàng, Sầu viễn phương (Mạnh Quỳnh); Căn nhà dĩ vãng, Hai mùa Noel, Hoa mười giờ… (Đài Phương Trang); Cho tôi được một lần, Giọng ca dĩ vãng (Bảo Thu); Nhớ người yêu, Thà trắng thà đen, Lại nhớ người yêu, Vó ngựa trên đồi cỏ non… (Giao Tiên). Nhạc sĩ Đài Phương Trang, Mạnh Quỳnh cũng sẽ hát sáng tác của họ. Chương trình cũng có phần giao lưu nên nhạc sĩ Đài Phương Trang mong thông qua đó khán giả có thể hiểu thêm những góc khuất, những câu chuyện xoay quanh các nhạc phẩm nổi tiếng. Các ca sĩ hát live, với ban nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Phước Hoà phụ trách. Đêm nhạc diễn ra vào tối 2/12, tại sân khấu Trống Đồng (quận 1, TPHCM) |
Theo Trung Sơn/PNO
Bình luận (0)