Qua 40 năm gắn bó đầy tâm huyết với ngành giáo dục, trong đó 23 năm ở bậc phổ thông, 7 năm giữ chức vụ hiệu phó, 10 năm làm hiệu trưởng trường nghề, TS. Phạm Đức Khiêm (Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM) đã để lại hình ảnh đẹp trong lòng đồng nghiệp, học sinh, sinh viên. Không chỉ giỏi chuyên môn, năng lực quản lý, thầy Khiêm còn là người có tầm nhìn xa trông rộng, không ngừng đổi mới, sáng tạo đưa trường nghề vượt khó, vươn lên, trở thành ngôi trường hiện đại, đạt chất lượng cao.
Thầy Khiêm trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên
Không ngừng đổi mới
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, năm 1982 thầy Khiêm được phân công về Trường THPT vừa học vừa làm Lê Minh Xuân (nay là Trường THPT Nguyễn Khuyến). Sau 23 năm cống hiến trong môi trường THPT, năm 2005, thầy Khiêm được điều động giữ chức Phó hiệu trưởng Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Phú Lâm. Lúc này, trường có quy mô nhỏ, chỉ đáp ứng nhu cầu cho học sinh, sinh viên khu vực Phú Lâm. Nhưng với khát vọng không ngừng vươn lên, đổi mới, thầy Khiêm đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo nhà trường nhiều giải pháp, kế hoạch để nâng cấp cơ sở vật chất cũng như chất lượng đào tạo cho nhà trường. Năm 2008, Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Phú Lâm được đổi tên thành Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm. Sau khi nâng cấp lên bậc cao đẳng, thầy Khiêm đã cùng với nhà trường tiếp tục xây dựng chương trình, mở 4 ngành nghề bậc cao đẳng: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện – điện tử; công nghệ thông tin và kế toán theo quyết định của Bộ GD-ĐT.
Giảng viên tri ân thầy Khiêm
7 năm giữ chức Phó hiệu trưởng, với năng lực, chuyên môn cùng sự tín nhiệm của lãnh đạo và đồng nghiệp, năm 2012, thầy Khiêm được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Trở thành người đứng đầu trường nghề, thầy Khiêm càng nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp. Thầy cho rằng, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Phú Lâm chưa thật sự mang lại hiệu quả trong việc tạo mối quan hệ, liên kết đào tạo quốc tế trong khi thầy muốn ngôi trường này phát triển hơn nữa.
Nghĩ là làm, thầy tiếp tục đề xuất đổi tên trường thành Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM vào năm 2014. Từ khi trường đổi tên đã khẳng định được thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Bên cạnh các chương trình truyền thống, trường còn phối hợp với các nước như: Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… hỗ trợ nhiều sinh viên có nhu cầu làm việc, thực tập và xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Đặc biệt, thầy Khiêm còn chỉ đạo rút ngắn thời gian đào tạo, tăng thời lượng thực hành giúp học sinh, sinh viên nâng cao tay nghề.
Ngoài ra, thầy cũng đã động viên, đổi mới cơ chế chính sách tạo điều kiện giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, năng lực ngoại ngữ. Từ 5 thạc sĩ ban đầu, đến nay trường có trên 80% (trong tổng số 236 cán bộ giảng viên) có trình độ sau đại học; 100% cán bộ, giảng viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ, tin học theo chức danh nghề nghiệp.
Không chỉ tập trung vào chuyên môn, thầy Khiêm còn quan tâm đến đời sống của cán bộ, giảng viên, nhân viên nhà trường. Đặc biệt các giải pháp về thu nhập tăng thêm, chế độ thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ, chế độ học bổng khuyến khích học tập.
Bằng sự tận tụy, hết lòng vì mọi người, thầy Khiêm luôn được đồng nghiệp quý mến, học sinh, sinh viên kính nể.
Cùng làm việc với thầy suốt 17 năm qua, ThS. Phạm Ngọc Diễm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: “Thầy Khiêm là người thầy cũng là người lãnh đạo rất chuẩn mực, vừa có tài vừa có tâm, luôn hết lòng vì giáo viên, nhân viên. Bên cạnh tầm nhìn chiến lược nhằm phát triển trường, thầy luôn tạo dựng xung quanh mình những đồng nghiệp tốt, là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo”.
Em Hà Quốc Toàn (sinh viên năm 2 ngành ô tô) chia sẻ: “Đến tận bây giờ em vẫn không thể quên được những buổi trò chuyện trao đổi giữa thầy và trò hồi năm nhất. Thầy đã dồn hết tâm tư công sức để chăm lo, định hướng, dạy dỗ chúng em. Điều chúng em tôn trọng nhất ở thầy là tấm lòng nhà giáo luôn tận tụy hết mình vì học sinh, sinh viên, nghĩa tình với mọi người”.
Trăn trở
Dưới sự dẫn dắt của thầy Khiêm, Trường Trung cấp Kỹ thuật – Nghiệp vụ Phú Lâm ngày nào đã trở nên rộng rãi, khang trang, thu hút hàng ngàn học sinh, sinh viên theo học mỗi năm. Hiện trường có 21 ngành đào tạo trình độ cao đẳng, 14 ngành đào tạo trình độ trung cấp và 13 nghề đào tạo trình độ sơ cấp. Ngoài cơ sở chính tại Q.6, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM còn có thêm cơ sở 2 tại huyện Nhà Bè, dự kiến bàn giao và đưa vào hoạt động từ tháng 4 này.
Đây là tâm huyết của thầy Khiêm, xin ý kiến của UBND TP.HCM từ năm 2010. Sau 10 năm thầy nỗ lực đeo bám, đề xuất, năm 2020 dự án mới chính thức khởi công. Hiện dự án mới hoàn thiện giai đoạn 1 gồm các phòng học, phòng chức năng, thư viện. Công tác chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 (nhà xưởng) của dự án đang chờ phê duyệt, dự kiến khởi công trong thời gian tới.
Theo thầy Khiêm, thời điểm này trường đang phát triển, được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa vào xem xét để trở thành trường cao đẳng chất lượng cao, sắp tới sẽ xong phần thẩm định. Nếu cơ sở 2 được hoàn thành sớm, có nhà xưởng nhà trường sẽ có được Trung tâm thực hành công nghệ cao, đầu tư theo hình thức 4.0 để đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cho người học. “Hiện nay, với tình hình dịch bệnh, doanh nghiệp rất e ngại khi sinh viên đến thực tập làm ảnh hưởng đến tay nghề của các em. Mong UBND TP.HCM triển khai sớm giai đoạn 2 để nhà trường có hệ thống nhà xưởng thực hành theo đúng quy định. Khi đó thầy cô có cơ hội đào tạo thực hành, học sinh sinh viên không cần phải học tập tại doanh nghiệp. Trong tương lai, nhà trường kết hợp với doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa từ Trung tâm thực hành này sẽ tạo nguồn thu cho nhà trường, giúp trường phát triển bền vững. Có thể phát triển thành Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật TP.HCM”, thầy Khiêm mong mỏi.
Trong thời gian 10 năm thầy Khiêm đảm nhận vai trò hiệu trưởng, Trường CĐ Kinh tế – Kỹ thuật TP.HCM liên tục đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc. Đặc biệt, năm 2017 trường được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động Hạng 3; UBND TP.HCM tặng Cờ truyền thống, cờ thi đua xuất sắc; 2 lần được Thành ủy TP.HCM tặng bằng khen Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liên tục. |
Từ tháng 4 này, thầy Khiêm sẽ chính thức nghỉ chờ hưu theo quy định. Dù không còn được thường xuyên gặp học trò thân yêu nhưng thầy luôn nhắn nhủ với các em rằng, các em học sinh, sinh viên hãy thành công với nghề đã học và làm giàu bằng chính cái nghề mình đã chọn. Muốn vậy, trước hết, các em phải yêu nghề. Xem cái nghề như một cô gái mà mình yêu, lấy và gắn bó cả đời.
Với đội ngũ giảng viên, thầy Khiêm cho rằng, muốn có sản phẩm tốt người thầy phải tốt. Thầy phải nâng cao tay nghề đặc biệt là kỹ năng thực hành. “Thầy cô có thể đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nhưng kỹ năng thực hành là vấn đề cần thiết phải thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao. Những thầy cô tích cực sẽ được nhà trường chăm lo, khen thưởng. Thầy cô phải luôn bồi dưỡng, nâng cao tay nghề. Từ đó truyền đạt lại cho người học tỉ mỉ để người học tiếp cận kinh nghiệm, kỹ năng của thầy cô truyền đạt”, thầy Khiêm nhắn nhủ.
Với những kết quả đạt được trong công tác, thầy Khiêm liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua hàng năm, được khen thưởng nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Trong đó thầy đã vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động Hạng 3 của Chủ tịch nước (năm 2017).
Hồ Trinh
Bình luận (0)