Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2021-2022 trao 12 giải nhất, 15 giải nhì, 17 giải ba, 27 giải tư và 23 giải triển vọng ở tất cả các lĩnh vực đăng ký tham dự.
Học sinh TP.HCM trong một cuộc thi về sáng kiến bảo vệ hành tinh xanh mới đây
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lần đầu tiên cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được tổ chức theo hình thức trực tuyến trên toàn quốc.
Đầu tư nghiêm túc, bài bản
Từ năm học 2011-2012, Bộ GD-ĐT đã triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh trung học và tổ chức cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. Năm học 2021-2022 là năm thứ 10 Bộ GD-ĐT tổ chức cuộc thi này dành cho học sinh trung học trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, cuộc thi tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, cuộc thi tiếp tục thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các trường ĐH, CĐ, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia. Theo Bộ GD-ĐT, cuộc thi năm nay có 71 đơn vị tham gia với 144 dự án (trên 22 lĩnh vực), 273 học sinh. Trong đó, bậc THPT có 129 dự án với 244 học sinh, bậc THCS có 15 dự án với 29 học sinh. Có 3 sở GD-ĐT không tham gia cuộc thi, gồm: Long An, Bắc Kạn và Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặc dù triển khai bằng hình thức trực tuyến nhưng cuộc thi vẫn diễn ra nghiêm ngặt, công bằng ở tất cả các khâu.
Theo đánh giá, các dự án tham dự cuộc thi đều được đầu tư bài bản, nghiêm túc, có chất lượng. Trong đó, 12 dự án đoạt giải nhất, gồm: “Điều trị béo phì bằng cao chiết xanthone từ vỏ quả măng cụt (garcinia mangostana L.) trên chuột nhắt trắng (mus musculus) của Nguyễn Hữu Hiệu và Trần Thị Thu Phương (học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên – lĩnh vực y sinh và khoa học sức khỏe); “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường nước của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” của Đỗ Minh Quân và Nguyễn Thiên Lương (học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Hà Nội – lĩnh vực hóa học); “Nghiên cứu điều chế chế phẩm thảo mộc phòng trừ sâu hại rau họ hoa thập tự (brassicacae) từ hợp chất cinnamyl acetate trong vỏ cây quế” của Hoàng Thế Mạnh và Trần Ngọc Hiền Nhi (học sinh Trường phổ thông Vùng cao Việt Bắc – lĩnh vực Khoa học thực vật); “Thiết kế hệ thống theo dõi và cảnh báo tự động cho người mắc Covid-19 điều trị tại nhà” của Nguyễn Tuấn Dũng và Lê Hoàng Khoa (học sinh Trường THPT chuyên Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang – lĩnh vực hệ thống nhúng); “Hệ thống theo dõi, giám sát bệnh nhân Covid 19 tại nhà” của Nguyễn Minh Tú và Nguyễn Đức Hoàng (học sinh Trường THPT chuyên Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên – lĩnh vực hệ thống nhúng); “Nhựa sinh học tạo từ tinh bột huyền có khả năng tự phân hủy” của Trần Minh Anh Thư (học sinh Trường THPT chuyên Thủ Khoa Nghĩa, An Giang – lĩnh vực khoa học vật liệu); “Thiết kế, chế tạo máy hút dịch chanh dây bán tự động” của Vi Thị Thu Hà và Đào Huỳnh Duy An (học sinh Trường THCS và THPT Đông Du, tỉnh Đắk Lắk – lĩnh vực kỹ thuật cơ khí); “Tháp cho cá ăn tự động” của Nguyễn Minh Đức và Dương Thu Trang (học sinh Trường Hữu Nghị 80 – lĩnh vực robot và máy thông minh); “Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên” của Phạm Nguyễn Quang Huy và Phạm Nguyễn Gia Bảo (học sinh Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội – lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi); “Lò hun lá nón an toàn, hiệu quả và thân thiện với môi trường” của Nguyễn Viết Trung và Lê Xuân Tùng (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ – lĩnh vực kỹ thuật môi trường); “Phân lập, đánh giá khả năng nhắm đích tế bào gốc ung thư dạ dày của phân đoạn chứa hợp chất saponin và bào chế sản phẩm từ cây lá khôi (ardisia gigantifolia)” của Đào Xuân Minh và Nguyễn Lê Cường (học sinh Trường THPT chuyên Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên – lĩnh vực sinh học tế bào và phân tử); “Ngân hàng máu di động” của Trần Phong và Trần Mỹ Chi (học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai, tỉnh Lào Cai – lĩnh vực phần mềm hệ thống).
Khơi dậy tiềm năng ở học sinh
“Các nhà trường, thầy cô giáo tiếp tục động viên, tạo điều kiện để học sinh được thể hiện mình và giúp các em tự phát hiện ra năng khiếu, sở trường của bản thân từ những hoạt động nghiên cứu khoa học. Gắn chặt nghiên cứu khoa học với việc thúc đẩy giáo dục STEM, đưa nghiên cứu khoa học đồng hành cùng chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục…”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ. |
Tại buổi trao giải cuộc thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ bày tỏ mong muốn thông qua cuộc thi, các cấp lãnh đạo, quản lý giáo dục sẽ thống nhất nhận thức và coi hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường là một trong những con đường thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo; tăng cường giáo dục toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Các nhà trường, thầy cô giáo tiếp tục động viên, tạo điều kiện để học sinh được thể hiện mình và giúp các em tự phát hiện ra năng khiếu, sở trường của bản thân từ những hoạt động nghiên cứu khoa học. Gắn chặt nghiên cứu khoa học với việc thúc đẩy giáo dục STEM, đưa nghiên cứu khoa học đồng hành cùng chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục… Và hơn hết, biến nghiên cứu khoa học thành động lực, hứng thú học tập, dùng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống của học sinh, góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng hy vọng các trường ĐH, học viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục phổ thông, phát hiện và đánh thức năng khiếu, năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh; tạo môi trường để các ý tưởng sáng tạo có điều kiện thực hiện. Qua đó làm cầu nối đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh vào thực tiễn để mỗi thành tựu khoa học và chủ nhân của những thành tựu ấy trở thành nguồn cảm hứng cho các thế hệ học sinh.
Thục Trân
Bình luận (0)