Nhiều doanh nghiệp (DN) có nhu cầu đổi mới công nghệ với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên tiếp cận công nghệ mới tiên tiến của nước ngoài đang gặp nhiều trở ngại.
Doanh nghiệp khoa học công nghệ giới thiệu công nghệ mới cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự thay đổi để thích ứng với biến động của thế giới sau dịch Covid-19, đổi mới công nghệ trong DN là việc phải làm ngay. Bên cạnh sự chủ động đầu tư, việc hỗ trợ DN tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ từ ngành khoa học công nghệ, viện nghiên cứu, trường đại học… là cần thiết.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Thành Dũng – Giám đốc bộ phận Kỹ thuật, Công ty Cổ phần Cơ Điện Hải Nam chia sẻ, việc đầu tư công nghệ giúp DN giữ vững năng lực cạnh tranh, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh, giá nguyên vật liệu, nhiên liệu tăng cao. Đó là cơ sở để DN nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí nhân công, từ đó giữ được giá thành sản phẩm… Tuy nhiên, đối với các DN vừa và nhỏ, đầu tư công nghệ sẽ gặp khó về vốn. Do đó rất cần sự hỗ trợ của ngành khoa học công nghệ trong việc tham mưu, đề xuất cũng như tạo hành lang pháp lý để các trường, viện tìm kiếm, chuyển giao công nghệ hoặc đặt hàng cho DN với chi phí thấp nhất có thể.
“Hiện nay, nhập công nghệ tiên tiến của nước ngoài không đơn giản, đó là chưa kể các chi phí phát sinh để công nghệ này đi vào vận hành. Vì vậy, để giảm chi phí đầu tư, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các đơn vị, trường, viện đầu tư nghiên cứu công nghệ mới phù hợp với yêu cầu của DN”, ông Dũng nói.
Ông Phạm Phú Trường – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM cho rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn trong phát triển khoa học công nghệ. “Bên cạnh cập nhật các công nghệ sẵn có, xu hướng công nghệ mới, cần thúc đẩy hoạt động của hệ sinh thái chuyển giao công nghệ. Hệ sinh thái này không thể thiếu các chuyên gia đến từ DN, họ sẽ tham gia trực tiếp vào tư vấn, đào tạo”, ông Trường đề xuất.
Đồng quan điểm với ông Trường, ông Đinh Thanh Thuận – Trung tâm Ứng dụng công nghệ mới khẳng định, nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nước rất lớn, không thua kém các quốc gia trong khu vực. Đó là nguồn tài sản trí tuệ vô giá, tuy nhiên chưa được khai thác hiệu quả. Dẫn chứng là nhiều công trình nghiên cứu khoa học sau nghiệm thu không được ứng dụng, nếu có chỉ được triển khai ở một, hoặc hai đơn vị mặc dù hiệu quả kinh tế đã được chứng minh.
Cũng theo ông Thuận, riêng TP.HCM là địa phương có nhiều trường đại học, Viện, trung tâm nghiên cứu ứng dụng… Về cơ bản đã kết nối được mạng lưới hoạt động công nghệ với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm ở các lĩnh vực, nếu không phát huy được thế mạnh thì rất lãng phí.
Chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực ưu tiên
TS. Huỳnh Thanh Điền – chuyên gia kinh tế đánh giá, công nghệ tiên tiến chính là chìa khóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN không chỉ trong nước và còn ở thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, để vận hành dây chuyền công nghệ mới cũng không đơn giản nếu chưa chuẩn bị đội ngũ nhân lực xứng tầm. Do vậy, bên cạnh việc hỗ trợ tìm kiếm, tư vấn chuyển giao thì lực lượng lao động cũng phải được đào tạo một cách khoa học, bài bản. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng đối với các DN sản xuất các sản phẩm từ chuyển giao và đổi mới công nghệ, vừa hỗ trợ DN vừa tạo động lực để mạnh dạn thay đổi công nghệ.
Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030, số DN thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình từ 15-20% năm; năng suất lao động của DN sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất 1,5-2 lần.
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN DỰ ÁN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ Ngày 26-1-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 138/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 1851/QĐ-TTg ngày 27-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Cụ thể, mục tiêu của đề án được bổ sung: Đến năm 2025, cơ sở dữ liệu 4.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 400 công nghệ được chuyển giao; 10 công nghệ được giải mã, làm chủ; 4.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các DN, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ, đánh giá công nghệ, chuyển giao công nghệ thông qua hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời thiết lập mạng lưới 200 đối tác công nghệ quốc tế; số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho DN trong nước tăng trung bình 10%/năm; 30% DN sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ. Đến năm 2030, cơ sở dữ liệu 10.000 hồ sơ công nghệ nước ngoài được tổng hợp; 1.000 công nghệ được chuyển giao; 30 công nghệ được giải mã, làm chủ; 10.000 cán bộ, kỹ thuật viên, quản trị viên trong các doanh nghiệp, tổ chức được tập huấn, đào tạo về tìm kiếm công nghệ, giải mã làm chủ công nghệ… Thiết lập mạng lưới 500 đối tác công nghệ quốc tế; số lượng dự án FDI có chuyển giao công nghệ cho DN trong nước tăng trung bình 15%/năm; 70% DN sản xuất sản phẩm chủ lực trong các ngành ưu tiên có đầu tư hạ tầng nghiên cứu phát triển phục vụ chuyển giao, hấp thụ công nghệ. Quyết định này cũng sửa đổi nội dung về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, đội ngũ cán bộ kỹ thuật sẽ được hỗ trợ đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài hoặc mời chuyên gia nước ngoài đến làm việc và đào tạo trong nước. Ngoài ra còn hỗ trợ DN, tổ chức khoa học công nghệ về chi phí nghiên cứu, đào tạo, tìm kiếm, giải mã, chuyển giao công nghệ, thuê chuyên gia cũng như thực hiện dự án chuyển giao từ nước ngoài. |
Bộ trưởng cũng cho biết, Bộ này đang thực hiện đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Tại buổi làm việc với sở KH-CN TP Hà Nội, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết, hiện sở đang phối hợp cùng các Viện, trường hình thành các trung tâm chuyển giao công nghệ và hình thành liên minh các vườn ươm DN khởi nghiệp.
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ các cơ sở ươm tạo đưa vào vận dụng bộ tiêu chuẩn gồm 26 tiêu chí đánh giá vườn ươm theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong tương lai, chúng tôi sẽ triển khai các sàn giao dịch công nghệ, các hoạt động chuyển giao và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở một số địa phương”, ông Dũng thông tin.
T.An
Bình luận (0)