Sắp bước vào đợt kiểm tra định kỳ giữa học kỳ II, vậy mà giáo viên vẫn cứ phải ôn tập, củng cố các kiến thức của học kỳ I cho học sinh tiểu học.
Theo tác giả, ngành giáo dục phải giúp giáo viên toàn tâm, toàn lực dạy học trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn hoành hành như hiện tại (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Khi dạy học trực tuyến, giáo viên đã cố gắng dạy hết sức nhưng các kiến thức học sinh tiếp thu được dường như rất thấp. Học sinh mất căn bản kiến thức trầm trọng bởi học sinh tiểu học không có ý thức tự học, hiếm phụ huynh dạy kèm thêm cho con em. Ngoài thời gian học trực tuyến với thầy cô, học sinh chỉ vui chơi. Thời gian học trực tuyến kéo dài, học sinh mê các trò chơi điện tử, vào mạng xã hội, xem phim trên Youtube, Tiktok… nhiều hơn. Vào lớp học, các em mải mê trao đổi về những gì mình đã xem, đã chơi chứ không tập trung học. Nhiều em do thời gian dài sử dụng điện thoại bị cận thị, loạn thị. Đến trường không đọc, viết chính xác, giáo viên phát hiện phải báo phụ huynh đưa các em khi khám mắt để đeo kính mới có thể học được. Khá nhiều em gần như không nhớ hay quên hết các kiến thức đã học. Học sinh lớp 1, có em chưa nhớ bảng chữ cái. Học sinh lớp 2, có em còn phải đánh vần mới đọc được. Học sinh lớp 5 không đổi được đơn vị số thập phân, không làm được 4 phép tính số thập phân… thì làm sao làm được các bài toán hình học của học kỳ II.
Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, mọi việc đều có thể linh động để có hoạt động bình thường mới, sao ngành giáo dục không thể linh động trong các hoạt động ở nhà trường? |
Học sinh trở lại trường, số giáo viên và học sinh nhiễm bệnh tăng cao. Giáo viên phải liên tục dạy trực tiếp rồi trực tuyến. Giáo viên F0 cũng không được nghỉ như các ngành nghề khác mà vẫn phải dạy trực tuyến. Học sinh F0, F1 ở nhà, khi trở lại trường, thầy cô phải dạy lại các kiến thức cho các em. Vậy là giáo viên cứ miệt mài, mệt mỏi với từng tiết dạy. Ngoài ra, giáo viên ở tiểu học còn phải làm các công tác phòng chống dịch trong nhà trường với nhiều quy định chi tiết cụ thể, mất rất nhiều thời gian. Theo đó, đầu giờ học, giáo viên phải đến sớm đón học sinh, nhắc học sinh đo nhiệt độ, khử khuẩn tay… Ra về, giáo viên phải ở lại phụ khử khuẩn bàn ghế, sàn lớp… Rồi thực hiện các thông tin khẩn, báo cáo nhanh, liên tục liên hệ phụ huynh để lấy ý kiến về nhiều vấn đề… Giáo viên ở tiểu học “xoay như chong chóng”, “trăm công, nghìn việc” phải làm trong một ngày.
Thế mà những ngày gần đây, ban giám hiệu các trường tiểu học còn thông báo dự giờ kiểm tra chuyên môn, tổ chức thao giảng, chuyên đề. Theo yêu cầu phòng chống dịch hiện nay, hạn chế tổ chức cho học sinh học nhóm, hạn chế tiếp xúc… Vậy việc lên tiết dạy dự giờ, thao giảng, chuyên đề có đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh? Điều quan trọng khác là hiện nay, các tiết dạy thực tế ở lớp, thầy cô phải vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn tập kiến thức học sinh chưa vững, thậm chí có thể kéo dài thời gian tiết này, giảm bớt thời lượng tiết kia, kèm học sinh này đọc, chỉ học sinh kia làm toán…, miễn sao đạt mục tiêu học sinh hiểu và làm được bài tập.
Một tiết dạy để dự giờ, thao giảng, chuyên đề phải theo một bài bản, chỉn chu. Vậy giáo viên phải dạy sao đây? Muốn đạt yêu cầu tiết dự giờ, thao giảng, chuyên đề, thầy cô chỉ có cách dàn dựng theo “kịch bản”, kêu học sinh học thuộc, rồi cùng học sinh “diễn”. Khi giáo viên nêu ý kiến thì ban giám hiệu cứ dựa vào lý do: dự giờ chuyên môn theo quy định, thao giảng, chuyên đề là kế hoạch năm học. Trong giai đoạn phòng chống dịch bệnh, mọi việc đều có thể linh động để có hoạt động bình thường mới, sao ngành giáo dục không thể linh động trong các hoạt động ở nhà trường? Thực tế, các tiết dạy dự giờ, thao giảng, chuyên đề có ích lợi gì trong giai đoạn hiện nay? Hay chỉ là để ban giám hiệu báo cáo thành tích! Bao giờ thì “bệnh thành tích” trong ngành giáo dục xóa bỏ để giáo viên thật sự toàn tâm, toàn lực trong việc dạy học ở giai đoạn dịch bệnh vẫn còn hoành hành như hiện tại.
Lê Phương Trí
Bình luận (0)