Nhiều quận, huyện tại TP.HCM đã gần kết thúc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học, đang thận trọng bước sang giai đoạn tiêm cho trẻ mầm non (5 tuổi).
Các địa phương hết sức thận trọng khi tổ chức tiêm cho đối tượng trẻ nhỏ
Thận trọng tổ chức
Hiện Q.12 đã gần hoàn tất việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho học sinh tiểu học. Tổng số trẻ đã tiêm là hơn 13.000 trẻ trên tổng số hơn 14.000 trong độ tuổi.
Ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng GD-ĐT quận cho hay, công tác tổ chức tiêm cho trẻ được địa phương triển khai rất chặt chẽ, cẩn trọng, chú trọng khám sàng lọc trước tiêm để việc tiêm chủng được an toàn nhất. Số trẻ hoãn tiêm đa phần đều thuộc diện mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng.
“Từ đầu chiến dịch đến nay chỉ có 25 trường hợp phản ứng sau tiêm trong thời gian chờ sau tiêm tại điểm tiêm. Tuy nhiên, các trường hợp này chỉ có phản ứng rất nhẹ và đều được nhân viên y tế xử lý kịp thời, giúp các em ổn định sức khỏe…”, ông Hùng cho biết thêm.
Tương tự, ông Trần Khắc Huy – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình thông tin, hiện nay quận đã hoàn thành tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ ở độ tuổi từ 11- dưới 12 tuổi (học sinh lớp 6) và đang triển khai tiêm cho trẻ trong độ tuổi tiểu học, kế đến là mầm non. Trong đó, mỗi trường tiểu học, mầm non công lập được tổ chức thành một điểm tiêm. Trẻ mầm non ngoài công lập sẽ được sắp xếp tiêm tại các trường mầm non công lập.
Theo ông Trần Khắc Huy, do đặc thù lứa tuổi trẻ còn quá nhỏ nên chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt này quận không gấp rút về tiến độ tiêm, mà đặt yêu cầu về an toàn tiêm chủng cho trẻ lên trên hết, trước hết. Đặc biệt, với trẻ mầm non, việc tiêm sẽ được tổ chức cuốn chiếu ở từng điểm trường để có thể huy động tối đa nguồn lực y tế “săn sóc” cho trẻ.
“Độ tuổi trẻ càng nhỏ thì công tác tiêm càng thận trọng. Hiện nay quận đã giảm tốc độ tiêm khi tổ chức tiêm cho học sinh các khối lớp nhỏ bậc tiểu học, chỉ tiêm vào mỗi buổi sáng với tốc độ dao động 50 trẻ/bàn tiêm/buổi, thay vì tối đa 100 trẻ/bàn tiêm/buổi như trước, để đảm bảo rà soát, sàng lọc, chăm sóc trẻ một cách tốt nhất”, ông Huy cho hay.
Trong khi đó, Q. 11 lại tổ chức tiêm vắc xin cho trẻ mầm non tại các trung tâm y tế phường. Bà Nguyễn Đinh Thụy Đỗ Uyên – Phó Trưởng phòng GD-ĐT Q.11 cho biết, việc tổ chức cho trẻ mầm non tiêm tại các trung tâm y tế sẽ giúp công tác tiêm được đảm bảo an toàn cao nhất, giúp xử lý kịp thời các phản ứng tâm lý cũng như phản ứng tiêm trước và sau tiêm ở trẻ.
Rà soát kỹ khi “gọi” trẻ đến tiêm
Ông Trịnh Duy Trọng – Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, công tác tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn thành phố thời gian qua diễn ra an toàn, đảm bảo tại các điểm tiêm. Sự phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành y tế trong từng khâu đều nhịp nhàng.
Dù vậy, ông Trọng lưu ý chiến dịch tiêm còn kéo dài nên trong suốt chiến dịch, từng buổi tiêm các tiêm điểm phải thực hiện đúng quy trình, các bước, đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ. Trong đó, các cơ sở giáo dục có trẻ trong độ tuổi tiêm cần phải lường trước các vấn đề phát sinh dẫn đến nguy cơ mất an toàn tiêm chủng cho trẻ để sẵn sàng biện pháp can thiệp phù hợp. Đặc biệt, chú trọng vấn đề liên hệ phụ huynh học sinh với nhân viên y tế sau buổi tiêm.
Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu các nhà trường cần rà soát kỹ đúng đối tượng trẻ khi “gọi” trẻ ra tiêm
“Trước khi thông báo trẻ đến điểm tiêm, nhà trường cần phải rà soát thật kỹ đối tượng trẻ, lập danh sách theo đúng quy định. Tránh tình trạng “gọi” trẻ trên 12 tuổi, trẻ mắc COVID-19 trong vòng 3 tháng đến điểm tiêm vì các đối tượng này không thuộc đối tượng tiêm chủng trong đợt này”, ông Trọng lưu ý thêm.
Cạnh đó, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đề nghị các quận, huyện, các cơ sở giáo dục tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở trẻ để nâng cao hơn nữa tỷ lệ đồng thuận tiêm trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Yến Hoa
Bình luận (0)