Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Không để khám hậu COVID-19 rầm rộ, sử dụng thuốc bổ tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

Theo các bác sĩ, sau khi khỏi COVID-19 người bệnh cần tỉnh táo trước lời quảng cáo “thần thánh” về sản phẩm bổ phổi, thanh lọc phổi trên mạng xã hội. Người dân cần tỉnh táo để việc khám hậu COVID-19 không trở thành trào lưu rầm rộ, không cần thiết.
Người dân lo ngại đến khám hậu COVID-19.
Nhiều F0 sau khi khỏi bệnh rất lo lắng, muốn đi khám hậu COVID-19. Chính vì vậy, nhu cầu tư vấn, khám và điều trị hậu COVID-19 của người dân đang tăng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, không phải F0 nào cũng gặp phải các di chứng hậu COVID-19, người dân không nên hoang mang, lo lắng.
Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn số 2055/BYT-KCB về việc khám, chữa bệnh cho người dân sau khi mắc COVID-19. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tránh tình trạng lạm dụng chỉ định hoặc chỉ định không phù hợp, không cần thiết đối với người dân sau khi mắc COVID-19.
Bộ lưu ý người dân không sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc không được cấp phép lưu hành sản phẩm hay các bài thuốc truyền miệng hoặc theo các nguồn tin không chính thống để chữa bệnh.
Sở Y tế các địa phương, y tế các bộ, ngành phải chỉ đạo các cơ quan truyền thông, cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức để người dân hiểu đúng và đầy đủ về các dấu hiệu, triệu chứng hậu COVID-19.
Đồng thời, hướng dẫn người dân về thời điểm nào cần đi khám, chữa bệnh và thực hiện khám, chữa bệnh phù hợp, tránh để người dân lo lắng, hoang mang quá mức, tránh lạm dụng chỉ định ở các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn về hoạt động chuyên môn, thông tin, quảng cáo khám, chữa bệnh để kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, chấn chỉnh, xử lý nếu có vi phạm…
BS Đinh Thế Tiến, phòng khám hậu COVID-19 Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, nhiều bệnh nhân đến khám đều đưa một lô thuốc bổ như bổ phổi, bổ não, bổ thần kinh, tăng cường miễn dịch… nhưng không rõ thành phần. Với những người trẻ đã tiêm đủ liều vaccine, khi mắc COVID-19 đa phần nhẹ và tự hồi phục.
Bác sĩ Tiến cho biết, nếu sau COVID-19 có những triệu chứng mệt mỏi thì chỉ cần điều chỉnh bằng chế độ sinh hoạt hợp lý thì sẽ tự hồi phục mà không cần uống thuốc đặc biệt nào khác. 
Đồng thời, ông cũng đưa ra cảnh báo khi nhiều người bệnh đang lạm dụng thuốc, thấy bất thường là dùng thuốc mà không cần lời khuyên, tư vấn của bác sĩ. Nhiều người cứ nghe mách bổ là mua về sử dụng kiểu “thập toàn đại bổ”, vừa tốn tiền, lại tạo thói quen sức khỏe không tốt vì lệ thuộc vào thuốc quá nhiều.
“Thuốc bổ được bán tràn lan, tác dụng và cơ chế, độ an toàn chưa được đảm bảo, một số thuốc có thể gây hại như bổ phổi, bổ thần kinh không rõ thành phần.
Người bệnh cần hết sức cảnh giác với thuốc, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nước ngoài nhưng xuất xứ không rõ ràng; hoặc thuốc lan truyền trên mạng không được Bộ Y tế cấp phép”, bác sĩ Tiến cảnh báo và khuyến nghị không để việc khám hậu COVID-19 trở thành trào lưu rầm rộ, không cần thiết
Thời gian qua, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM nhận được đơn thuốc chữa hậu COVID-19 từ một người bệnh. Ông ngay lập tức khuyến cáo, trên thực tế không có đơn thuốc nào gọi là chữa hậu COVID-19, người dân hết sức bình tĩnh, không hoang mang và lo lắng thái quá.
Bác sĩ Khanh cho biết, tùy theo triệu chứng hậu COVID-19, người bệnh chỉ cần tập luyện, nâng cao sức khỏe và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
Bởi hậu COVID-19 có người xuất hiện triệu chứng về tim mạch, hoặc hô hấp, tiêu hóa… cần bác sĩ chỉ định chính xác từng xét nghiệm, chứ không khám chung chung hay xét nghiệm tràn lan, người dân cần lưu ý để tránh lãng phí tiền bạc, thời gian.
“Không có gói khám hậu COVID-19 nào phù hợp cho tất cả bệnh nhân, nếu làm “combo” sẽ gây lãng phí lớn cho người bệnh, xã hội. Việc quảng cáo uống sản phẩm nào đó để đào thải, hay thanh lọc virus chỉ là… quảng cáo" – chuyên gia nói.
PV (theo laodong)

Bình luận (0)