Qua 12 năm gắn bó với khán giả, sân khấu Hoàng Thái Thanh trở thành một “thương hiệu” kịch nói của TPHCM với gần 2.000 suất diễn, phục vụ khoảng 1 triệu lượt khán giả. Nhờ sự tin yêu của khán giả, sân khấu đã cố gắng vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn. Trước yêu cầu ngày càng cao, sân khấu Hoàng Thái Thanh buộc phải có những thay đổi.
Vở kịch Nửa đời hương phấn sẽ tái diễn giữa năm 2022 trên sân khấu Hoàng Thái Thanh
Thời gian đầu ra mắt, sân khấu hoạt động tại Nhà Thiếu nhi TPHCM, đón nhận sự yêu mến của đông đảo khán giả tìm đến thưởng thức các tác phẩm kịch với những suất diễn “cháy” vé, phải thêm ghế súp. 12 năm, trong kịch mục biểu diễn, danh sách các vở hay, được khán giả yêu thích có Nửa đời ngơ ngác, 29 anh về, Nửa đời hương phấn, Hãy khóc đi em, Bông hồng cài áo, Bàn tay của trời, Bạch Hải Đường, Bao giờ sông cạn, Sông dài, Con ma nhà họ Hứa…
Khi các loại hình giải trí hiện đại xuất hiện nhiều hơn, sân khấu phải dời điểm diễn về Nhà Thiếu nhi quận 10 để tiết kiệm chi phí thì lượng khán giả đến với sàn diễn này giảm hẳn. Cùng với thực trạng chung của sân khấu TPHCM, Hoàng Thái Thanh gặp khó về lực lượng nhân sự. Cơ sở vật chất của điểm diễn cũng chưa đáp ứng hết nhu cầu hoạt động, nhất là kho chứa đạo cụ, cảnh trí, phục trang cho hơn 50 vở diễn. Đặc biệt, vấn đề “cốt tử” là thiếu kịch bản, khiến sân khấu lao đao.
Nghệ sĩ – đạo diễn Ái Như, Phó Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, tâm sự: “Chúng tôi luôn cố gắng thật nhiều để duy trì hoạt động sân khấu. 12 năm qua, bên cạnh việc cộng tác với nhiều nghệ sĩ tên tuổi, chúng tôi rất vui khi thực hiện được mong ước làm một sân khấu của thầy và trò. Có nhiều em gắn bó với sàn diễn 12 năm, và đến nay các em đã tự tin dưới ánh đèn nghệ thuật. Một niềm vui mừng nữa trong hành trình hoạt động nghệ thuật của Hoàng Thái Thanh là công tác liên kết cùng các trường trung học tổ chức các buổi học ngoại khóa môn Văn cho học sinh. Sau mỗi suất diễn, các em chia sẻ với ê kíp làm sân khấu những cảm nhận và dấu ấn với nghệ thuật kịch nói, rồi sau đó, nhiều em đã quay lại Hoàng Thái Thanh để xem kịch”. Khán giả đến với sân khấu ngày càng trẻ. Nếu năm 2010 chỉ có 12% khán giả trẻ đến với sân khấu, thì năm 2021 sàn diễn đã đón nhận 72% khán giả trẻ tìm đến thưởng thức nghệ thuật.
Để tồn tại và phát triển song hành cùng thời đại, đồng thời giải quyết vấn đề khan hiếm kịch bản, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh đã làm lại những vở cải lương kinh điển trên sân khấu kịch, dựng lại tác phẩm kịch kinh điển, tái dựng vở cũ với phong cách mới, giao sàn diễn cho ê kíp trẻ từ tác giả, đạo diễn, diễn viên. NSƯT Thành Hội cũng ấp ủ việc tìm kiếm các tác phẩm, vở diễn cải lương, hát bội… để chuyển thể và dựng thành kịch. Anh cho hay: “Khi cánh cửa này đóng lại, chúng ta buộc phải tìm cánh cửa khác và mở nó ra. Vậy nên, chúng tôi đang cố gắng thay đổi cách vận hành sân khấu theo cách thức tổ chức biểu diễn mới, đó là diễn theo mùa. Sân khấu sẽ có 2 mùa diễn là mùa tết và mùa diễn giữa năm. Trên thế giới, người ta đã làm điều này từ lâu. Nay chúng tôi thực hiện cách thức này để giải quyết những vấn đề tồn tại của sân khấu, đó là cách chuyển mình thay đổi. Với chúng tôi, dù kế hoạch này thành công hay thất bại thì Hoàng Thái Thanh cũng đã làm hết sức mình”.
Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh chọn 10 vở kịch tiêu biểu để tái diễn trong 9 tuần liên tục, từ ngày 7-5 đến ngày 3-7-2022. Kế hoạch các suất sáng đèn sẽ từ 22-40 suất/mùa diễn. Một mùa diễn có thể kéo dài 3-5 tháng. Trong kế hoạch này, sân khấu chào đón NS Thanh Thủy tái xuất trong 2 vở chị từng tham gia là 29 anh về và Hãy khóc đi em. Sân khấu cũng “đặt hàng” với các diễn viên theo vở suốt thời gian dài để không bị động trong việc sắp lịch, chạy vở và biểu diễn.
Đạo diễn Ái Như cho biết: “Với sân khấu, nếu không có một tình yêu to lớn thì chắc chúng tôi đã không thể duy trì hoạt động suốt 12 năm qua, dù cứ phải bù lỗ suốt. Giờ, chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực để vượt khó với hy vọng cách làm mới trong tổ chức biểu diễn sẽ giúp Hoàng Thái Thanh có sự khởi sắc hơn”.
Theo Thúy Bình/SGGPO
Bình luận (0)