Chiều 25-4, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã có buổi làm việc với đoàn công tác Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn làm Trưởng đoàn – về giáo dục đào tạo và định hướng phát triển nguồn nhân lực TP.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kiến nghị Bộ GD-ĐT nhiều chính sách giáo dục đặc thù cho TP.HCM
Tiếp và làm việc với đoàn có các đồng: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP; ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM.
9 chỉ tiêu phấn đấu về giáo dục
Báo cáo tóm tắt về tình hình giáo dục đào tạo trên địa bàn TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin, hiện nay TP có 2.366 trường, với hơn 1,6 triệu học sinh và 77.409 giáo viên. Cùng với 1.791 cơ sở GDTX; 1.450 trung tâm Ngoại ngữ – Tin học (đang hoạt động: 118); 310 trung tâm học tập cộng đồng tại 22 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Hiện có 51 cơ sở giáo dục đại học và ĐHQG TP.HCM đóng trên địa bàn, 52 trường CĐ; 64 trường TC; 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp với hơn 600.000 sinh viên.
Lãnh đạo UBND TP.HCM thông tin, TP đưa ra 9 chỉ tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030:
Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025 đạt 300 phòng học/10.000 dân; Đến năm 2025, tối thiểu 80% thủ tục hành chính đều được thực hiện theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4, kết nối với cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và TP, 100% cơ sở giáo dục kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của toàn ngành; Đến năm 2025, kết quả hài lòng của người dân đối với việc thực hiện thủ tục hành chính và tỷ lệ hài lòng chung của người dân đối với dịch vụ giáo dục công đạt từ 90% trở lên; Đến năm 2025, 80% trường tiểu học được học 2 buổi/ngày; 60% trường THCS và 80% trường THPT học 2 buổi/ngày.
Đến năm 2025, 90% trẻ từ 3 tuổi học mẫu giáo, 90% trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non không suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi, giảm tỷ lệ trẻ em béo phì còn dưới 10%; Đến năm 2025 có ít nhất 24 trường ở bậc mầm non, tiểu học, THCS, THPT thực hiện theo mô hình trường chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế”, tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập mầm non, tiểu học, THCS, THPT, đến năm 2025 tỷ lệ người dân biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 tuổi là 99,8%; Đến năm 2025, 90% giáo viên mầm non tốt nghiệp CĐ sư phạm trở lên; 95% giáo viên tiểu học, THCS, 100% giáo viên THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên.
Đến năm 2025, 50% học sinh thành phố sau khi tốt nghiệp THPT đạt trình độ ngoại ngữ từ bậc 2 trở lên, 30% học sinh phổ thông có trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn quốc tế, 90% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng CNTT cơ bản, 30% học sinh có trình độ đạt chuẩn tin học quốc tế.
Phấn đấu đến năm 2025, 100% trường CĐ, TC trực thuộc Sở GD-ĐT công bố chuẩn đầu ra, thực hiện đúng cam kết chuẩn đầu ra, 80% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành nghề đào tạo, ít nhất 30% mã ngành đào tạo ở các trường công lập được công nhận là mã ngành trọng điểm.
Ngoài ra, ở từng cấp học, TP.HCM cũng đề ra các chỉ tiêu cụ thể, với nhiều giải pháp thực hiện.
Để thực hiện tốt chỉ tiêu và giải pháp đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành nghị định mới sửa đổi, bổ sung Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ cho phù hợp với Luật Giáo dục 2019 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập có cơ sở để thực hiện liên kết giáo dục, giảng dạy chương trình tích hợp với chương trình khác của nước ngoài.
Trong đó, cần có điều khoản chuyển tiếp đảm bảo quyền lợi của học sinh đã theo học chương trình trước đó; điều chỉnh tỷ lệ học sinh Việt Nam tại các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; Bổ sung quy định đối với thay đổi nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng; mở rộng cho phép trường công lập tự chủ có thể thực hiện liên kết giáo dục, chương trình tích hợp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thành phố.
Với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, TP.HCM đề nghị Bộ GD-ĐT đồng ý chủ trương, có hướng dẫn cho học sinh thuộc diện F0 tham gia kỳ thi.
Kiến nghị nhiều chính sách giáo dục đặc thù
Đặc biệt, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng kiến nghị Bộ GD-ĐT các chính sách đặc thù đối với TP.HCM.
Cụ thể, về đội ngũ triển khai Chương trình GDPT 2018: đối với các trường hợp có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp đối với các môn tin học, âm nhạc, mĩ thuật, ngoại ngữ 2 (Tiếng Hàn, Tiếng Nhật, Tiếng Trung Quốc, Tiếng Pháp,.., ) nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và chưa tham gia giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông, có thể tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các cơ sở. Các trường hợp này sẽ cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 12 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy.
Đối với giáo viên môn tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mĩ thuật) có bằng cử nhân (cao đẳng/đại học) chuyên ngành phù hợp (nhưng chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm) đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông trực thuộc TP.Thủ Đức và các quận, huyện quản lý, có thể tham gia giảng dạy môn Tin học, môn nghệ thuật tại các trường THPT theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng. Tuy nhiên phải cam kết bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong thời hạn 36 tháng tính từ thời điểm bắt đầu tham gia giảng dạy theo hình thức hợp đồng, thỉnh giảng tại các trường THPT.
Toàn cảnh buổi làm việc
Cho phép TP được bổ sung mỗi cơ sở giáo dục công lập phải có đủ 4 vị trí việc làm: nhân viên văn thư, thủ quỹ, kế toán, y tế. Đối với nhân viên y tế thì trên 1.000 học sinh thì thêm một nhân viên.
Đồng thời cho phép các cơ sở giáo dục công lập được liên kết, chuyển giao và sử dụng bản quyền các chương trình giáo dục quốc tế với các cơ sở giáo dục nước ngoài, học sinh tham gia và hoàn thành chương trình, đạt yêu cầu ở kỳ thi cuối cấp được cấp bằng Việt Nam và bằng quốc tế. Phân cấp cho UBND thành phố được quy định cơ chế huy động nguồn lực phát triển các loại hình liên kết giáo dục, đào tạo trong nước – quốc tế trong các cơ sở giáo dục đào tạo công lập.
Hướng dẫn, xem xét cho phép cho Trường ĐH Sài Gòn được tự chủ tuyển sinh các mã ngành đào tạo giáo viên đặc thù như tin học, môn nghệ thuật (âm nhạc, mĩ thuật) để đào tạo các giáo viên phục vụ giảng dạy tại các trường học trên địa bàn thành phố. Cho phép Trường ĐH Sài Gòn đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho các ngành như tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp đáp ứng cho chương trình ngoại ngữ 2, Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đặc biệt, giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Đề thi do Sở GD-ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi và bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ GD-ĐT ban hành.
Yến Hoa
Bình luận (0)