Muối Cần Giờ (huyện Cần Giờ, TP.HCM) được sản xuất thành muối thảo dược ngâm chân, vừa đáp ứng yêu cầu tăng cường sức khỏe vừa giúp mở rộng đầu ra nguyên liệu, tăng thu nhập cho người dân cũng như phát triển kinh tế địa phương.
Sản phẩm muối thảo dược sử dụng nguyên liệu thành phẩm muối Cần Giờ. Ảnh nhóm nghiên cứu cung cấp
Muối thảo dược này do Trung tâm Khoa học Công nghệ Dược Sài Gòn (Sapharcen, thuộc Trường ĐH Y dược TP.HCM) điều chế từ muối thành phẩm và bán thành phẩm nước ót (tức dung dịch còn lại trên ruộng muối đã kết tinh).
Cải thiện sức khỏe từ muối Cần Giờ
ThS. Lê Đặng Tú Nguyên (Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu muối thảo dược) cho biết, ngoài sử dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm hoặc dùng trong công nghiệp, muối còn có thể dùng trong các chế phẩm hỗ trợ sức khỏe, điển hình là dòng sản phẩm muối thảo dược ngâm chân. Các sản phẩm này có thành phần chủ yếu là muối và các dược liệu dưới dạng xay hoặc dịch chiết dược liệu đã được chuyển thành dạng rắn. Sản phẩm hướng đến tác dụng kích thích tuần hoàn ngoại biên, hỗ trợ điều trị tê đầu chi, đau mỏi xương khớp, ra mồ hôi chân, hoặc cải thiện giấc ngủ… Dù đã được thương mại hóa từ lâu nhưng xét trên phương diện khoa học sức khỏe, một số chế phẩm muối thảo dược còn tồn tại những nhược điểm như: Nguồn gốc xuất xứ của thành phần công thức không rõ ràng về mặt luận cứ khoa học, tiêu chuẩn chất lượng thường không dựa trên các đánh giá đầy đủ về hàm lượng các dược chất có trong sản phẩm. “Ngoài ra, người sử dụng gặp phải sự bất tiện trong phương thức sử dụng các chế phẩm vì phương thức đóng gói đa liều hoặc người dùng phải “tự chiết xuất” bằng cách đun một lượng chế phẩm với nước nóng trong một thời gian xác định nên có thể dẫn đến sai biệt về hiệu quả sử dụng. Từ thực tế đó cũng như góp phần mở rộng đầu ra cho nguyên liệu muối Cần Giờ, chúng tôi đã tiến hành xây dựng quy trình sản xuất chế phẩm muối thảo dược ngâm chân với sự hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM”, ThS. Lê Đặng Tú Nguyên chia sẻ.
Kết quả nghiên cứu đáng ghi nhận là các sản phẩm thu được ở dạng hạt cốm, được tiêu chuẩn hóa dựa trên các tiêu chuẩn quy định bởi Dược điển Việt Nam V, phụ lục dành cho chế phẩm dạng cốm phân liều. Các sản phẩm này có bằng chứng khoa học, sản xuất trên thiết bị công nghiệp phù hợp bằng các quy trình được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo tính ổn định về mặt chất lượng và sự đồng nhất của các lô/mẻ. Được biết, từ các sản phẩm này, Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM cũng đã chứng minh được tính an toàn thông qua thử nghiệm kích ứng da trên chuột. Theo đó, kết quả các mẫu muối ngâm chân không gây kích ứng da chuột ở các thời điểm quan sát là sau 1 giờ, 24 giờ, 48 giờ và 72 giờ. Đồng thời, nghiên cứu cũng tiến hành khảo sát mức độ hài lòng của 300 tình nguyện viên (từ 50 tuổi trở lên, đã và đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Dược cơ sở 3 và Viện Y Dược học Dân tộc TP.HCM). Với khảo sát này, tình nguyện viên trải nghiệm sử dụng sản phẩm với liệu trình trong 30 ngày tương ứng 10 lần ngâm chân. Kết quả khảo sát không ghi nhận trường hợp bị kích ứng da hoặc các phản ứng có hại khác, đạt độ hài lòng tổng thể ở mức “rất hài lòng” (4-5/5 điểm). Đặc biệt, có 32% số người cho biết đã cải thiện đáng kể chất lượng sống, cụ thể là giảm đau nhức xương khớp, tê thấp, giảm nhẹ các biến chứng, rối loạn thần kinh ngoại vi với bệnh đái tháo đường.
Kết quả nghiên cứu ghi nhận được, mặc dù các sản phẩm muối thảo dược ngâm chân có nguyên liệu đầu vào là muối thành phẩm hay bán thành phẩm nước ót không cho thấy sự khác biệt về mặt chất lượng, kỹ thuật hay sự hài lòng của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả kinh tế, nhóm nghiên cứu đề xuất chỉ thực hiện sản xuất gói muối thảo dược sử dụng muối thành phẩm. Nguyên nhân là do quá trình bào chế sản phẩm muối ngâm chân với nguyên liệu đầu vào là bán thành phẩm nước ót cần phải thông qua quá trình cô nước ót đến thể tích nhất định, nên khi áp dụng sản xuất ở quy mô công nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.
Triển khai thương mại hóa sản phẩm
Tại buổi nghiệm thu đề tài, đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, việc chuyển giao quy trình sản xuất muối thảo dược ngâm chân từ muối Cần Giờ sẽ góp phần tạo nên một sản phẩm đảm bảo chất lượng và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Đây còn là một giải pháp hữu ích nhằm mở rộng đầu ra cho muối nguyên liệu, làm tăng thu nhập của diêm dân và phát triển kinh tế của địa phương.
Giá thành sản phẩm muối thảo dược ngâm chân ước tính khoảng 150.000 đồng/liệu trình 30 ngày, mỗi lần ngâm 20 phút ở nhiệt độ 38-42. Ngoài ra, các sản phẩm có thể được bổ sung một lượng nhỏ tinh dầu (không làm thay đổi quy trình điều chế) tùy theo nhu cầu sử dụng để tăng mùi hương và mức độ thư giãn trong quá trình ngâm chân. |
Từ kết quả nghiên cứu này, UBND huyện Cần Giờ đã đề xuất Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM chuyển giao các quy trình sản xuất chế phẩm muối thảo dược ngâm chân để địa phương triển khai ứng dụng ngay vào sản xuất đại trà. Song song đó, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất chuyển giao hai sản phẩm muối thảo dược từ nguyên liệu muối thành phẩm Cần Giờ là gói muối thảo dược ngâm chân tăng cường tuần hoàn ngoại biên, giảm đau nhức xương khớp, tê thấp và gói muối thảo dược ngâm chân hỗ trợ giảm nhẹ các biến chứng, rối loạn thần kinh ngoại vi đối với bệnh đái tháo đường. Theo đó, có hai quy trình sẽ chuyển giao gồm: Quy trình điều chế sản phẩm gói cốm phân liều chứa muối thảo dược hướng tác dụng bổ khí, thông huyết, trừ thấp và quy trình điều chế sản phẩm gói cốm phân liều chứa muối thảo dược hướng tác dụng tiêu khát, bổ thận âm. Đối với từng quy trình, nội dung chuyển giao bao gồm thành phần bài thuốc, quy trình chiết xuất cao đặc và điều chế chế phẩm muối, tiêu chuẩn chất lượng của chế phẩm muối với các sơ đồ, quy trình và thông số kỹ thuật. Dự kiến, đơn vị trực tiếp tiếp nhận chuyển giao là Phòng Kinh tế huyện và Hợp tác xã muối xã Lý Nhơn, sau đó sẽ triển khai thương mại hóa.
ThS. Lê Đặng Tú Nguyên khẳng định: “Các sản phẩm muối thảo dược điều chế từ muối thành phẩm giúp làm gia tăng giá trị thương mại của muối. Quy trình điều chế, tiêu chuẩn của sản phẩm đã được kiểm định đạt bởi Viện kiểm nghiệm thuốc TP.HCM. Nếu quy trình sản xuất được chuyển giao cho UBND huyện Cần Giờ thì nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục hỗ trợ chuyên môn để địa phương triển khai ở quy mô công nghiệp, thương mại hóa sản phẩm”. Về định hướng phát triển sản phẩm trong tương lai, ThS. Lê Đặng Tú Nguyên thông tin: Sự kết hợp giữa muối và thảo dược cũng có thể được mở rộng sang các dạng sản phẩm tương tự khác như muối tắm thảo dược, muối chườm thảo dược… Sau khi chuyển giao quy trình sản xuất sẽ góp phần tạo nên sản phẩm tốt, vừa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng vừa tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho diêm dân.
Nhằm mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm, góp phần bảo tồn và phát triển nghề muối truyền thống ở Cần Giờ, Sapharcen cũng đề xuất Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM tiếp tục thực hiện các nghiên cứu công thức, quy trình điều chế cao dược liệu quy mô công nghiệp đối với các dạng sản phẩm trên.
T.Anh
Bình luận (0)