Sau THCS, chỉ 70% học sinh tại TP.HCM tiếp tục theo học tại các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố, 30% còn lại sẽ rẽ sang các hướng đi khác…
Môi trường học tập phù hợp với học sinh là môi trường học tập hạnh phúc nhất (ảnh minh họa)
Không phải học yếu mới vào tư thục, giáo dục thường xuyên
Bà Nguyễn Xuân Mai (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, hàng năm vẫn còn tình trạng học sinh đặt nguyện vọng vượt xa năng lực học tập của bản thân dẫn đến trượt cả 3 nguyện vọng. Thậm chí, nhiều trường hợp đậu vào các trường THPT công lập nhưng vẫn xin ra học trường tư thục hoặc trung tâm GDTX, trung tâm GDNN – GDTX… vì sức học không theo được chương trình. “Sau THCS, điều quan trọng nhất là phụ huynh và học sinh phải xác định được năng lực học tập, điều kiện gia đình và mục tiêu nghề nghiệp sau này, căn cứ vào đó để chọn hướng đi phù hợp. Ngoài lớp 10 THPT công lập còn rất nhiều hướng đi khác sau THCS, đó là học trường tư thục, học trung tâm GDNN – GDTX, trung tâm GDTX… Mỗi hướng đi đều có những thế mạnh, lợi thế riêng, không thua kém gì so với THPT công lập”, bà Mai phân tích.
Dẫn chứng, bà Mai đã kể lại câu chuyện trong gia đình: Nhiều năm trước, cháu tôi tuy có sức học rất tốt nhưng vẫn quyết định lựa chọn học trường tư thục, bởi cháu nhận thấy môi trường này phù hợp với tính cách, năng lực của bản thân. “Quan điểm học yếu mới phải theo học trường tư thục, trung tâm GDTX, trung tâm GDNN – GDTX… là không đúng, đặc biệt trong môi trường giáo dục hiện nay. Vì vậy, xác định được mục tiêu phấn đấu rõ ràng, lựa chọn được môi trường học tập phù hợp sẽ giúp các em phát huy được khả năng, thế mạnh của bản thân”, bà Mai nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Minh (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) cho hay, nhiều trường hợp học sinh học rất giỏi nhưng các em lại không lựa chọn học trường chuyên hay công lập mà chủ động rẽ sang học trường tư thục. Điều này cho thấy bản thân học sinh và gia đình đã xác định rất rõ mục tiêu nghề nghiệp, phấn đấu để lựa chọn môi trường học tập phù hợp. Nhiều em học trường tư thục vẫn “săn” được học bổng tại các trường ĐH danh tiếng ở nước ngoài… “Học trường chuyên, lớp chọn, trường tư thục hay trung tâm GDNN – GDTX… phải căn cứ vào năng lực học tập và mục tiêu phấn đấu của bản thân. Quan điểm học trường tư thục, học GDNN – GDTX… là yếu kém hiện nay đã hoàn toàn không phù hợp”, ông Minh đánh giá.
Đổi mới để thu hút người học
Năm học 2022-2023, Trung tâm GDNN – GDTX Q.Tân Bình dự kiến tuyển sinh 5 lớp 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Để thực hiện tốt chương trình giáo dục mới, trung tâm đã rà soát cơ sở vật chất và xây dựng tổ hợp môn tự chọn, dự kiến hoàn thành trước ngày 1-8 để kịp đón học sinh. Năm nay, trung tâm dự kiến trang bị thêm nhiều cơ sở vật chất, đáp ứng theo nhu cầu phân hóa và định hướng nghề nghiệp của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tiếng Anh và tin học vẫn là 2 môn học được trung tâm đưa vào giảng dạy nhằm cạnh tranh với các trường THPT công lập. Cô Phạm Thị Thúy Nhài (Phó Giám đốc trung tâm) chia sẻ, vài năm trở lại đây ngày càng có nhiều học sinh tốt nghiệp THCS chủ động rẽ sang học GDTX. Nhiều em có sức học rất tốt nhưng vẫn đến tham quan, tìm hiểu mô hình học tập tại trung tâm để nghiên cứu theo học. Đặc biệt, trung bình mỗi năm trung tâm nhận 2-3 học sinh từ các trường THPT công lập chuyển về học và các em đều học rất tốt tại trung tâm. “Với những trường hợp này, thường là các em cảm thấy áp lực khi học tại môi trường THPT công lập. Không phải do các em có sức học yếu mà vì tính cách các em không phù hợp cũng như định hướng nghề nghiệp sau này thích hợp hơn khi theo học tại môi trường GDTX. Bằng chứng là từ khi chuyển môi trường học tập, các em đều học rất tốt, sôi nổi tham gia các hoạt động phong trào”, cô Nhài cho hay.
Học sinh trường TH-THCS-THPT Hoa Sen trong giờ học STEM
Tương tự, Trường TH – THCS – THPT Hoa Sen (TP.HCM) cũng xây dựng đa dạng các loại hình đào tạo nhằm thu hút học sinh trong mùa tuyển sinh năm 2022. Trong đó, trường xây dựng chương trình tiếng Anh quốc tế làm nền, đẩy mạnh mô hình giáo dục STEM, triển khai chương trình tin học quốc tế, tổ chức chương trình thể dục thể thao tự chọn… Đặc biệt, trường tổ chức kiểm tra năng lực đầu vào để đánh giá, phân hóa học sinh, từ đó xây dựng các chương trình giáo dục phù hợp. Đại diện nhà trường chia sẻ, những điểm mới này được trường xây dựng không chỉ nhằm thu hút học sinh mà quan trọng hơn cả là từng bước thay đổi tư duy của phụ huynh, học sinh rằng: không phải học yếu, kém mới vào học các trường tư thục, trung tâm GDNN – GDTX, trung tâm GDTX… “Việc học trường ngoài công lập trước hết sẽ giảm áp lực thi cử cho học sinh. Khi lựa chọn được môi trường học tập phù hợp, các em không chỉ phát huy được thế mạnh, năng lực của mình mà còn có nhiều lợi thế khác”, vị này nhấn mạnh.
Thầy Hoàng Gia Thành (Phó Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Hồng Đức, Q.Tân Phú) nhìn nhận, chương trình đào tạo tại trường công lập và ngoài công lập về cơ bản là giống nhau vì đều thực hiện chương trình THPT của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trường ngoài công lập với mô hình tự chủ giáo dục nên xây dựng đa dạng các chương trình giáo dục, cơ sở vật chất được đầu tư, đội ngũ giáo viên cũng được tuyển chọn kỹ…, đáp ứng nhu cầu học tập, rèn luyện phong phú của học sinh. “Hàng năm, tỷ lệ học sinh lớp 12 của trường đậu vào các trường đại học lớn tại TP.HCM rất cao, nhiều em có thêm các cơ hội trong môi trường đại học nhờ vào năng lực tiếng Anh vượt trội. Môi trường THPT ngoài công lập hiện nay không hề thua kém trường THPT công lập, thậm chí các em còn được phát huy lợi thế bản thân một cách mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều học sinh lựa chọn môi trường THPT ngoài công lập để theo học sau bậc THCS”, thầy Thành nhận định.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)