Đây là nhấn mạnh của ông Võ Văn Hoan – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP tại Hội nghị tổng kết công tác PCTT-TKCN 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 trên địa bàn TP.HCM.
Nhiều căn nhà ven kênh Tàu Hủ (Q.8) bị cháy rụi hôm 1-4 vừa qua
Nhiều tiềm ẩn về thiên tai
Đánh giá công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trong năm 2023, ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP – nhận định, đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng, PCCC rừng còn gặp nhiều hạn chế. Tình hình vi phạm các quy định về bảo vệ rừng trên phạm vi rừng phòng hộ Cần Giờ đã giảm đáng kể nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố tác động ảnh hưởng đến rừng như hoạt động sản xuất gần khu vực rừng và dưới tán rừng; chủ sử dụng đất có cây phân tán chưa quan tâm thực hiện công tác phòng cháy.
Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP.HCM là đơn vị chịu trách nhiệm trong công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng, giám sát và tổ chức ứng cứu ngập trên địa bàn TP, ông Diệp Nguyên Thịnh – Phó Giám đốc công ty – cho rằng, các tác động của biến đổi khí hậu đã xuất hiện nhiều trận mưa lớn, mực nước triều dâng cao vượt tần suất thiết kế khiến cho tình trạng ngập lụt tại TP diễn biến rất phức tạp. Bên cạnh đó vẫn còn những bất cập trong công tác quy hoạch thoát nước, quản lý hệ thống thoát nước. Thiếu cơ sở dữ liệu và khoa học khi thực hiện các nghiên cứu thoát nước. Thiếu sự tương tác và hỗ trợ từ cộng đồng đã khiến cho các giải pháp xóa, giảm ngập mà TP thực hiện chưa phát huy được hết hiệu quả.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – PCTT-TKCN TP.HCM, trong năm 2023 trên địa bàn TP xảy ra 5 đợt mưa dông, lốc xoáy, 6 đợt triều cường lớn, 3 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch đã gây thiệt hại về người và tài sản; xảy ra 493 vụ cháy làm chết 11 người, bị thương 12 người; 215 vụ sự cố, tai nạn cần tổ chức cứu nạn, cứu hộ. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, TP xuất hiện 2 đợt triều cường trên báo động cấp độ III; xảy ra 1 vụ sạt lở bờ sông, kênh, rạch làm sạt lở 100m2 bờ bao; xảy ra 1 vụ tai nạn đường thủy…
Chống tư tưởng lơ là, chủ quan
Theo ông Hoan, những vấn đề đang đặt ra trong PCTT-TKCN đòi hỏi phải tiếp tục làm và chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Xem đây là nhiệm vụ hàng đầu, tổ chức bài bản để cộng đồng người dân biết, nâng cao nhận thức, ý thức; đồng thời để người làm công tác quản trị, quản lý có trách nhiệm hơn.
“Nếu làm tốt công tác này thì cơ bản thành công, chống tư tưởng lơ là, chủ quan trong PCTT-TKCN. Công việc này chỉ cần sơ hở một chút là có thể gây hậu quả lớn”, ông Hoan nhấn mạnh.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài hiện nay, ông Lê Đình Quyết – Trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ – cho biết, mùa mưa tại TP.HCM khả năng bắt đầu trong khoảng ngày 10 đến 20-5, do đó người dân cẩn thận khi ra đường, đi làm vì đầu mùa mưa luôn kèm theo dông, sét, gió giật. Có những trận mưa to, rất to vào cuối tháng 9, trong tháng 10 gây ngập đô thị. Tháng 11 xuất hiện triều cường cao. |
Ông Hoan đề nghị các địa phương, sở ngành chú trọng công tác phối hợp thực hiện đồng bộ, thống nhất, có tính hiệu quả. Kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy. Hình thành kế hoạch hành động phù hợp, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. Củng cố tổ chức ở cơ sở, mọi lực lượng trong cộng đồng đều phải tham gia vào quản lý rủi ro thiên tai, đảm bảo về số lượng, chất lượng để thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất cho các lực lượng tham gia làm nhiệm vụ. Tổ chức bộ máy cần gắn liền với điều kiện và phương tiện, số lượng và chất lượng, gắn liền với huấn luyện, đào tạo, thực hành để xử lý các tình huống.
Liên quan đến những công trình sạt lở, chống ngập tại các quận huyện, ông Hoan đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương, tích cực triển khai giải ngân các nguồn lực để hoàn thiện lại hệ thống.
“Riêng huyện Cần Giờ đang hướng đến phát triển xanh, tăng cường trồng rừng và mở rộng rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với huyện Cần Giờ nghiên cứu lập Đề án phủ kín rừng Cần Giờ. Đề án sẽ tiến tới đưa người dân ra bên ngoài sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp để cuộc sống tốt hơn, không len lỏi trong rừng. Việc mở rộng rừng Cần Giờ để tạo ra giá trị đáng sống của TP là một yêu cầu cấp bách mà TP đang nỗ lực triển khai. Cùng với đề án là mở rộng rừng phòng hộ, xanh hóa, phủ kín vùng đệm của rừng phòng hộ Cần Giờ để tạo ra giá trị rừng lớn hơn”, ông Hoan nói.
Đồng tình, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng – Phó Giám đốc Công an TP.HCM – cho rằng: “Trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông nhằm từng bước tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, các ngành, của người dân trong công tác PCTT-TKCN. Đồng thời, tập trung tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở và chuyên ngành. Đầu tư trang bị các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ để cung cấp cho lực lượng chuyên trách, chuyên ngành, lực lượng tại chỗ. Nghiên cứu xây dựng công cụ dự báo, ứng dụng các kỹ thuật dự báo, cảnh báo thiên tai trên địa bàn TP phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành…”.
Minh Phương
Bình luận (0)