Rocket Lab, trụ sở tại Long Beach (bang California, Mỹ), đã thử nghiệm thành công việc sử dụng trực thăng thu hồi tên lửa đẩy trên không, với mục tiêu tái sử dụng nhiều lần tên lửa cho các sứ mệnh không gian khác nhau.
Ảnh chụp thời khắc trực thăng thu hồi tên lửa đẩy của Rocket Lab sau khi phóng. Ảnh: Reuters
Đài CNBC ngày 4.5 dẫn lời ông Peter Beck, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Rocket Lab, thông báo về vụ thử nghiệm thu hồi tên lửa đẩy Electron bằng trực thăng.
Sau khi rời khỏi bệ phóng ở New Zealand vào 10 giờ 50 ngày 2.5 (giờ địa phương), tên lửa Electron đưa 34 vệ tinh lên quỹ đạo trái đất. Kế đến, tên lửa rơi trở lại khí quyển địa cầu và nhờ vào hệ thống dù bung để giảm tốc độ rơi.
Vào thời điểm tên lửa rơi xuống độ cao bên trên bầu trời Nam Thái Bình Dương, ở vị trí ngoài khơi New Zealand, Rocket Lab triển khai trực thăng mang theo sợi dây cáp dài để “tóm lấy” dù đang mang theo tên lửa đẩy. Với sự hỗ trợ của trực thăng, tên lửa đẩy đáp xuống biển an toàn trước khi được tàu trục vớt thu hồi.
Cách thu hồi tên lửa đẩy của Rocket Lab khác với phương pháp được SpaceX của tỉ phú Elon Musk áp dụng. Tên lửa của SpaceX được thiết kế để tự đáp lên bục chỉ định sẵn sau khi phóng.
Ông Beck tiết lộ tên lửa đẩy Electron chiếm từ 70% đến 80% trên tổng chi phí của toàn bộ cuộc hành trình. Việc tái sử dụng bộ phận này cho phép giảm chi phí sau mỗi lần phóng.
Theo Hạo Nhiên/TNO
Bình luận (0)