Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 6.5, lần thứ hai trong vòng 5 tuần, giữa lúc nhiều cuộc đình công và biểu tình chống chính phủ nổ ra tại đây.
Theo thông báo của chính phủ, tình trạng khẩn cấp có hiệu lực ngay lập tức và được thực hiện để đảm bảo an ninh công cộng. Lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa và đại sứ Canada tại Sri Lanka đã chỉ trích quyết định của ông Rajapaksa, Reuters cho hay.
Khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng ở Sri Lanka đã dẫn đến làn sóng biểu tình chống chính phủ.
Trước đó, cảnh sát đã bắn hơi cay vào hàng chục người biểu tình bên ngoài trụ sở quốc hội. Hơn một tháng qua, người dân đã xuống đường biểu tình phản đối chính phủ trong bối cảnh thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc nhập khẩu, và thường xuyên xảy ra bạo lực trong các hoạt động phản đối này.
Hàng trăm sinh viên đại học và những người khác đã tập trung trên con đường chính dẫn tới trụ sở quốc hội Sri Lanka ở thủ đô Colombo hôm 6.5. Họ đã bắt đầu ngồi ở đây một ngày trước đó.
Hồi giữa tháng 4, Sri Lanka đã thông báo vỡ nợ, không còn khả năng thanh toán tổng cộng 51 tỉ USD tiền vay nước ngoài. Bộ trưởng tài chính Sri Lanka Ali Sabry tuần này cho biết Sri Lanka chỉ còn lại khoảng 50 triệu USD dự trữ ngoại hối có thể sử dụng được, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, giá dầu tăng và việc chính phủ cắt giảm thuế.
Chi tiết về các biện pháp khẩn cấp mới nhất vẫn chưa được công bố rộng rãi, nhưng trong các lần trước, tổng thống đã được trao nhiều quyền hơn trong việc triển khai quân đội, bắt giữ người không cần lệnh và giải tán đám đông biểu tình.
Kêu gọi Rajapaksa từ chức, chính trị gia Premadasa cho biết tình trạng khẩn cấp "đi ngược lại nỗ lực tìm kiếm bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng". Trong khi đó, Đại sứ Canada tại Sri Lanka, David McKinnon, nói rằng quyết định này là không cần thiết.
Ông Rajapaksa từng ban bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 1.4 nhưng đã hủy bỏ sau 5 ngày. Tổng thống Sri Lanka đang đối mặt với những lời kêu gọi từ chức.
Theo Vũ Mạnh/TNO
Bình luận (0)