Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đoàn giám sát cần làm rõ những sơ hở, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong chính sách và quá trình điều hành đơn vị sự nghiệp công lập; trả lời được câu hỏi, có hay không và ở đâu có tình trạng né tránh trách nhiệm, gây cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 18-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 – 2023”.
Trình bày về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, ngày 10-8-2023, đoàn giám sát đã họp phiên thứ nhất để thảo luận, cho ý kiến về dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết, đề cương báo cáo của đoàn giám sát và các đề cương báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát.
Theo đó, hoạt động giám sát tập trung vào đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời, qua giám sát, sẽ đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đề ra đến năm 2025 và 2030…
Sau khi nghe các ý kiến của thành viên UBTVQH, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rất rộng, bao trùm toàn bộ hệ thống chính trị, do đó, để đảm bảo tính khả thi, việc giám sát cần xác định rõ những vấn đề trọng tâm.
“Chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có liên quan đến nhiều luật, nhiều lĩnh vực, nhưng chưa có luật riêng điều chỉnh. Thời gian giám sát ngắn, khối lượng công việc nhiều. Do đó, đoàn giám sát cần quan tâm đến các yêu cầu: nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước và hiệu quả quản trị của các đơn vị; đánh giá khả năng tự chủ mọi mặt (không chỉ là tài chính); khả năng xã hội hóa. Đoàn giám sát cũng cần làm rõ những sơ hở, nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong chính sách và quá trình điều hành đơn vị sự nghiệp công lập; trả lời được câu hỏi, có hay không và ở đâu có tình trạng né tránh trách nhiệm, gây cản trở sự phát triển kinh tế – xã hội”.
ANH PHƯƠNG (theo SGGP)
Bình luận (0)