Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Triển khai các hợp phần trong thực hiện đề án 01 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 19-3-2024 tại TP.Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trần Thanh Nam chủ trì hội nghị Đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).


Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam chỉ đạo tại hội nghị

Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030", do Chính phủ phê duyệt với mục tiêu hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Đến nay Bộ NN-PTNT đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án do Bộ trưởng Lê Minh Hoan làm Trưởng ban, với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ KH-ĐT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước, đại diện  Ngân hàng thế giới (WB), đại diện lãnh đạo 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia đề án.


Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Hinh – Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, trình bày đề xuất dự án hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp vùng ĐBSCL nhằm triển khai đề án (những nội dung này đã được Bộ NN-PTNT và WB thống nhất). Theo đó, thời gian thực hiện đề án: 2026-2031 (chuẩn bị dự án: 2024-2025). Chi phí dự án: 375 triệu USD, trong đó 360 triệu USD từ khoản vay IBRD của WB, 15 triệu USD vốn đối ứng từ đóng góp của Chính phủ và địa phương. Mục tiêu dự án  được đo lường bằng các chỉ số như tăng năng suất và sản lượng lúa gạo, thu nhập của nông dân, giảm khí nhà kính và thanh toán tín dụng carbon dựa trên kết quả.

Về cụ thể, mục tiêu đến năm 2030: Giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70 kg/ha. Giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như 1P5G, SRP, AWD… và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.


Ông Nguyễn Thế Hinh – Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án nông nghiệp, Bộ NN-PTNT, trình bày các hợp phần của đề án

100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa DN với tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích. Trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%. 100% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi ruộng và được chế biến tái sử dụng. Giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Để hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật cho lúa carbon thấp, đề án xây dựng 3 hợp phần. Hợp phần 1 (ước tính 350 triệu USD): Xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao, carbon thấp… Hợp phần 2: Phát triển và chuyển giao kỹ thuật (ước tính 20 triệu USD). Hợp phần 3: Quản lý dự án (ước tính 5 triệu USD từ vốn đối ứng): Hợp phần này cung cấp hỗ trợ trong việc điều phối, quản lý, giám sát và đánh giá (M&E) dự án nhằm đảm bảo  dự án được triển khai đạt  hiệu quả cao nhất.


Đại diện tỉnh Kiên Giang chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai dự án tại địa phương

Theo kế hoạch, trước ngày 20-3-2024 các tỉnh thành hoàn thành đề xuất nội dung dự án do đơn vị triển khai. Ban Quản lý các dự án Nông nghiệp sẽ chỉnh sửa dự án xong trước ngày 15-4 và trình Lãnh đạo Bộ NN-PTNT ký văn bản gởi các cơ quan thẩm định trước ngày 30-4-2024.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với nội dung thiết kế các hợp phần và  trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án tại địa phương.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: Trong triển khai đề án, lực lượng khuyến nông cộng đồng có vại trò nòng cốt. Do vậy mong lãnh đạo các tỉnh/thành trong Đề án có chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện hoạt động cho lực lượng này… Bộ sẽ xây dựng tiêu chí để huy động các DN và các HTX tham gia. Ngay vụ hè thu năm nay, sẽ triển khai thí điểm sản xuất mô hình lúa chất lượng cao, giảm phát thải tại TP.Cần Thơ và các tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh. “5 tỉnh, thành này có 5 loại đất, nước khác nhau; sau khi kết thúc vụ hè thu chúng ta có thể đo đếm, tính toán  lượng phát thải theo đặc trưng từng vùng đất và có được lúa giảm phát thải, có số liệu để báo cáo WB; đồng thời rút kinh nghiệm để nhân rộng sản xuất đại trà” – ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN- PTNT cho biết thêm: WB đã nhất trí chọn đề án là một trong những dự án trọng điểm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bộ NN-PTNT đã  làm việc với WB và phối hợp với các chuyên gia của Quỹ chuyển đổi tài sản carbon xây dựng hệ thống MRV cho đề án để làm cơ sở cấp tín chỉ carbon cho sản xuất lúa gạo và trao đổi trên thị trường góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất lúa gạo.

Đan Phượng

Bình luận (0)