Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội vừa tổ chức Hội thảo “Công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trước tác động của đại dịch Covid-19”.
Tại đây, ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – cho biết, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến kinh tế và đời sống xã hội, nguy hại đến sinh mạng, sức khỏe của nhân dân. Trong đó, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất, cần được bảo vệ. Có nhiều trẻ sơ sinh phải can thiệp sinh sớm trong điều kiện mẹ mang thai bị mắc Covid-19 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển thể lực và trí tuệ của trẻ em trong tương lai. Nhiều trẻ em đã mắc Covid-19 hoặc bị ảnh hưởng gián tiếp, phải cách ly tập trung. Thậm chí, nhiều trẻ em đã trở thành trẻ mồ côi, không nơi nương tựa, bị ảnh hưởng lâu dài do gia đình có nguy cơ đói nghèo, làm tăng số lao động trẻ em. Trẻ em đã phải tạm dừng đến trường học do giãn cách xã hội kéo dài, học tập trực tuyến đã tác động lớn đến chất lượng học tập, tăng nguy cơ bỏ học khi hết dịch Covid-19, nhất là các em nhỏ, gia đình nghèo, ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Trong điều kiện giãn cách xã hội do dịch Covid-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng nhưng lại làm tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại thông qua môi trường mạng xã hội.
Ông Nguyễn Bá Hoan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội – thông tin, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nhiều mặt tới đời sống, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai nhiều biện pháp, giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đến trẻ em. Trong đó có việc hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trẻ em mồ côi từ nguồn vận động xã hội của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em mồ côi theo quy định của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ; triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó chú trọng triển khai chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em…
Tham dự hội thảo, bà Rana Flowers – Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam – khuyến nghị, Việt Nam cần có gói hỗ trợ cho trẻ em dưới 6 tuổi. Gói trợ cấp cho 100% trẻ em dưới 6 tuổi sẽ cần ngân sách khoảng 2% GDP Việt Nam tại thời điểm năm 2020, mức này nhẹ hơn so với 5% GDP ở một số nước trên thế giới để hỗ trợ trẻ em và gia đình phục hồi sau đại dịch Covid-19…
T.Ban
Bình luận (0)