Quảng cáo (QC) đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển kinh tế – xã hội của mỗi địa phương, trong đó có TP.HCM. Tuy nhiên, công tác quản lý lĩnh vực này còn nhiều bất cập, đòi hỏi cần có những giải pháp cụ thể để QC trở thành ngành công nghiệp của TP.HCM.
Một góc quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP.HCM
Kiểm tra tới đâu, vi phạm tới đó
Tại hội thảo “Quảng cáo trên địa bàn TP.HCM thực trạng, giải pháp và kinh nghiệm quốc tế” do HĐND TP tổ chức, đại diện Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP báo cáo, tính đến tháng 3-2023, trên địa bàn TP có 300.044 biển hiệu, bảng QC. Số biển hiệu, bảng QC đã được chính quyền địa phương kiểm tra, khảo sát là 47,8%, trong số đó có 17% vi phạm các quy định với tổng số tiền xử phạt hơn 24,3 tỷ đồng. Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật QC và các văn bản quy định chi tiết trên địa bàn TP, từ năm 2013 đến tháng 8-2021, TP tổ chức 89.134 lượt kiểm tra, qua đó phát hiện 31.536 biển hiệu, bảng QC sai quy định, xử phạt hơn 35 tỷ đồng vi phạm hành chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động QC trên địa bàn TP.HCM thời gian qua còn nhiều bất cập. Đặc biệt, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa quyết liệt; còn tình trạng doanh nghiệp vi phạm nhiều lần, không chấp hành các nội dung xử phạt.
Ông Trần Thanh Vương – Sở Văn hóa và Thể thao TP – cho biết, các hành vi xử phạt chủ yếu là không thông báo nội dung QC đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, sửa đổi nội dung QC, QC vượt diện tích, không tháo dỡ sau khi QC hết thời hạn. Công tác thanh kiểm tra QC ngoài trời được thực hiện thường xuyên, liên tục và với cường suất dày, số tiền xử phạt cao. Tuy nhiên chưa xử phạt các hành vi vi phạm cơ bản như xây dựng bảng QC không có giấy phép, hoặc hạn chế về số lượng cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, nhất là tháo dỡ trụ, bảng QC không phép, sao phép.
Do công tác quản lý QC còn nhiều bất cập dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP – cho hay, nhiều QC ngoài trời, viết, đặt biển hiệu QC không thực hiện đúng quy định pháp luật như chưa được cấp phép, sử dụng tiếng nước ngoài, nội dung QC không đúng quy định. Việc lắp đặt biển hiệu, bảng QC không đồng bộ, vi phạm quy định về kích thước, che chắn mặt tiền nhà, lấn chiếm không gian, vỉa hè, phần đường dành riêng cho người đi bộ làm ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, trật tự, an toàn giao thông đô thị…
Theo ông Nhựt, TP có 5 nhóm biển hiệu, bảng QC vi phạm trong hoạt động QC thì nhóm vi phạm về nội dung chiếm tỷ lệ cao nhất; nhóm không đảm bảo an toàn cháy nổ, thoát hiểm, kết cấu chiếm tỷ lệ thấp nhưng lại là nhóm tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm nhất. Đại đa số các địa phương có biển hiệu, bảng QC đều vi phạm, trong đó 5 quận Gò Vấp, 5, 7, 10, 12 có số lượng biển hiệu, bảng QC vi phạm nhiều hơn các quận, huyện khác…
Nên giao cho một ngành quản lý quảng cáo ngoài trời
TP.HCM đang trở thành “địa chỉ vàng” cho các doanh nghiệp triển khai chiến dịch truyền thông quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ.
Theo Cục Thống kê TP, tính đến năm 2020, TP có hơn 6.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực QC với hơn 54.000 lao động, đóng góp khoảng 1,8% GRDP của TP. Thực tế đặt ra cho công tác quy hoạch, quản lý QC nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, chấn chỉnh và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về hoạt động QC là hết sức quan trọng.
Để QC ngoài trời của TP phát triển lành mạnh, ông Nguyễn Quý Cáp – nguyên Chủ tịch Hội QC TP – cho rằng, cần giao trách nhiệm cho một ngành chứ không nên giao cho nhiều ngành như hiện nay.
Bà Lê Thị Hạnh An – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM – đề xuất, TP cần có một bộ tiêu chí cụ thể cho quy hoạch, quản lý lĩnh vực QC, bao gồm vị trí, nội dung, kiến trúc thiết kế thi công phù hợp với mỹ quan công trình, tiêu chuẩn các loại kỹ thuật và tiêu chí về những khu vực mà TP quy hoạch dự trữ không làm QC. Bằng cách đi từ một bộ tiêu chí toàn diện thì TP mới có thể gắn kết được các bên liên quan, từ quản lý, các sở ban ngành, cho đến nội dung QC, đơn vị sáng tạo, bên tham gia QC. Và từ tiêu chí sẽ có những tiêu chuẩn của từng tiêu chí, dựa trên đó sẽ có bộ xử lý vi phạm.
Ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP – thông tin, ngoài Luật QC và các văn bản quy định chi tiết, QC ngoài trời được quy định bởi rất nhiều văn bản pháp luật liên quan. Do đó, công tác quản lý, thực thi pháp luật về hoạt động QC ngoài trời ở các TP, trong đó có TP.HCM đang gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình QC, đấu thầu các vị trí QC sau khi ban hành quy hoạch…
Từ những bất cập, ông Nam đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong các quy định pháp luật liên quan đến QC phù hợp với thực tiễn thi hành ở các TP lớn; trong đó cho phép quy hoạch các vị trí QC và quy định yêu cầu kỹ thuật đối với bảng QC trong phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ, trên các công trình đường bộ. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần phối hợp với Bộ Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn chuyên ngành cho cơ quan quản lý xây dựng địa phương tiến hành cấp phép xây dựng công trình QC theo đúng quy định của Luật QC; xây dựng quy trình trong việc cấp phép để tạo cơ chế phối hợp, quản lý Nhà nước về hoạt động QC tại các địa phương.
TP sẽ tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp quảng cáo Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng, giá trị của QC là một trong những thước đo chính xác về “sức khỏe kinh tế”. Khi các doanh nghiệp đầu tư nhiều cho QC thể hiện tín hiệu QC tốt, kinh tế tốt. Như năm 2023 kinh tế vẫn chịu ảnh hưởng thì các doanh nghiệp không còn nguồn lực đầu tư QC. Do đó việc QC phải có trách nhiệm, nghiêm túc, nếu không dễ làm méo mó thị trường. “Tiềm lực ngành QC rất lớn nhưng TP cảm thấy có trách nhiệm khi không tạo điều kiện đủ tốt để doanh nghiệp QC phát huy tối đa năng lực của mình”, ông Đức trăn trở và cho biết việc QC đúng, đẹp rất quan trọng. Vì vậy, TP sẽ cố gắng tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, nhưng với điều kiện phải làm đúng quy định pháp luật. |
Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cũng cho rằng, cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành trong hoàn thiện Luật QC. Bởi nhiều hình thức có thể do quy định đã lâu không theo kịp sự phát triển.
Đối với các doanh nghiệp, ông Đức nhấn mạnh đến trách nhiệm khi tham gia QC. Đơn cử bán hàng đa cấp là không sai nhưng nhiều người lợi dụng hình thức kinh doanh này QC sai sự thật làm ảnh hưởng đến người khác. Thực tế nhiều doanh nghiệp QC tìm cách lách luật để đạt mục đích…
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao những góp ý góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao tính hiệu quả trong quản lý hoạt động QC ngoài trời.
Theo bà Lệ, TP nên ban hành quy chế phối hợp giữa các sở ngành trong quản lý hoạt động QC ngoài trời.
Linh Anh
Bình luận (0)