Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Du học sinh muốn quay về nhưng lo “trên trải thảm, dưới trải đinh”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều du học sinh muốn quay về Việt Nam làm việc, tuy nhiên điều họ lo ngại nhất chính là không được làm việc đúng chuyên môn, “trên trải thảm, dưới trải đinh”.

Chiều 21/4, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM đã tổ chức hội nghị “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ của thành phố thông qua các chương trình học bổng du học và cơ hội dành cho du học sinh Việt Nam được thực tập và làm việc tại các công ty, tập đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài”.

Tại đây, anh Huỳnh Tấn Đạt – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Úc cho biết, hiện có hơn 22.000 sinh viên Việt Nam tại Úc. Đa số sinh viên Việt Nam du học và sau khi tốt nghiệp sẽ có nguyện vọng làm trong các công ty tại Úc từ 2-3 năm. Sau thời gian đó, họ có thể ở lại tiếp tục làm việc nếu được công ty bảo trợ, số khác chọn quay về quê hương.

Du học sinh muốn quay về nhưng lo trên trải thảm, dưới trải đinh ảnh 1

Du học sinh Việt Nam ở nước ngoài (ảnh: Internet)

Khảo sát tại các du học sinh Việt Nam làm việc tại Úc, tôi thấy rằng mức lương tại Úc cao hơn Việt Nam, khoảng 1 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, du học sinh Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn là ít có cơ hội thăng tiến hoặc gặp khó khăn hơn khi tìm kiếm việc làm.

“Sau 2 năm dịch bệnh COVID-19, kinh tế Úc chậm lại, nhu cầu tuyển dụng ít, mức độ cạnh tranh cao hơn. Do đó du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp mong muốn có cơ hội trở về nước làm việc ngay. Các bạn đã hiểu rõ hơn rằng nếu làm việc trong nước với vốn ngoại ngữ và trải nghiệm ở nước ngoài thì lợi thế cạnh tranh cao hơn cộng với sự quyết tâm và tận tuỵ trong công việc” – anh Đạt nói.

Cũng theo anh Đạt, hiện có nhiều du học sinh muốn quay về nước làm việc nhưng cũng băn khoăn về chế độ đãi ngộ, công việc tại các công ty nhà nước… “TPHCM cần có cơ chế đãi ngộ hợp lý với du học sinh trở về yên tâm làm việc, có chủ trương tuyển dụng rõ ràng để thu hút nhân tài. Thành phố nên nêu rõ cơ hội thăng tiến trong công việc, tránh tình trạng “trên trải thảm, dưới trải đinh”. Đồng thời, thành phố cần tạo môi trường làm việc cởi mở, năng động để tránh tình trạng “sốc văn hóa” với du học sinh” – anh Đạt kiến nghị.

Anh Trần Thiện Quang – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, có gần 70.000 du học sinh học tập, làm việc tại đây. Trong đó 30% sinh viên chỉ sử dụng tiếng Anh, làm việc tại các tập đoàn lớn, startup công nghệ; 40% sinh viên đại học các ngành xã hội, cơ khí, điện tử; 30% còn lại là những người trẻ sang Hàn Quốc học đại học. Hiện nay có khoảng 70-80% du học sinh muốn ở lại Hàn Quốc học tập và làm việc. Lý do là môi trường làm việc, lương bổng, cơ sở vật chất trong nước chưa đáp ứng được đề tài nghiên cứu của họ.

Du học sinh muốn quay về nhưng lo trên trải thảm, dưới trải đinh ảnh 2

Các đại biểu tham dự hội nghị

“Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc đã xây dựng nhiều chương trình hỗ trợ các bạn tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp như đào tạo chuyên môn, hỗ trợ việc làm… Hàn Quốc đang thiếu nhân lực và có nhiều chương trình, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực ngoại quốc. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng tuyển dụng lao động Việt trả lương cao hơn tại Việt Nam. Họ mong muốn tuyển dụng nhân sự không phải để ở lại mà đào tạo tại Hàn Quốc nhưng sau đó đưa về Việt Nam làm việc” – anh Quang nhìn nhận.

Ông Lâm Hùng Tấn – Phó giám đốc Sở Nội vụ TPHCM mong muốn, thông qua hội thảo sẽ có được những ý tưởng, định hướng mới. Từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để thực hiện chương trình học bổng du học và cơ hội thực tập, làm việc tại các công ty, tập đoàn của người Việt Nam ở nước ngoài. “Chúng ta cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên và nhân viên trẻ khi tham gia chương trình, bao gồm các hỗ trợ về tài chính, văn hóa, ngôn ngữ và các dịch vụ hỗ trợ khác” – ông Tấn nói.

Theo Uyên Phương/TPO

 

Bình luận (0)