Muốn đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần am hiểu văn hóa, tập quán thị trường nước sở tại. Trên cơ sở đó sản xuất ra những mặt hàng không chỉ có chất lượng tốt mà mẫu mã cũng phải đẹp để có cơ hội cạnh tranh khi xuất khẩu sang các nước…
Quả thanh long của nước ta đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới
Nhiều cơ hội để hàng Việt vươn ra
Ông Daivid Dương – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ – cho biết, Việt Nam đang có nhiều lợi thế xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ khi đất nước này đang có những cuộc xung đột về vấn đề hàng hóa.
Tại Hoa Kỳ, cộng đồng dân gốc châu Á ngày càng lớn mạnh, trong đó 6 sắc dân chính chiếm hơn 80% dân số Mỹ gốc Á, gồm Trung Quốc, Philippines, Ấn Độ, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Một số đặc điểm về tiêu dùng của 6 sắc dân tương đối phù hợp với điều kiện cung ứng của DN Việt Nam, nhất là hàng nông sản, thực phẩm, dệt may.
“Tuy nhiên, để xuất khẩu hiệu quả, hàng Việt cần đáp ứng các tiêu chí nhỏ, gọn, đẹp, có song ngữ trên bao bì, ghi rõ sản phẩm gồm các thành phần và tỷ lệ %…”, ông Dương nói.
Cũng theo ông Dương, một trong những hạn chế đối với việc cạnh tranh hàng Việt tại thị trường Hoa Kỳ hiện nay là chưa có kho hàng chuyên trữ hàng Việt Nam như Thái Lan, Trung Quốc; hàng Việt chỉ được trữ trong kho ở chợ của người Việt, giá cả lệ thuộc vào đơn vị vận chuyển giao hàng, trong khi hàng các nước có kho thì rẻ hơn. Nếu có kho, người cần nhập hàng để bán sẽ lấy hàng nhanh hơn. Trong trường hợp sản phẩm hỏng hay bị lỗi có thể đổi trả ngay, khắc phục được những sự cố. Đáp ứng được điều này sẽ là cơ hội để phát triển và bứt phá tại thị trường Mỹ…
Nhiều kiều bào cho rằng, muốn đưa hàng Việt ra thị trường thế giới, DN trước tiên cần phải bảo hộ thương hiệu của mình. Phải am hiểu văn hóa và tập quán thị trường nước sở tại, tận dụng mọi cơ hội, mối quan hệ để quảng bá giới thiệu sản phẩm của mình mọi lúc, mọi nơi; và quan trọng phải thay đổi tư duy “không chỉ bán những gì mình có mà nên đầu tư hơn những gì thị trường cần mua”.
Tập trung vào đặc sản vùng miền
Ông Nguyễn Đình Phú – Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Mỹ – cho rằng, DN Việt Nam có thể tận dụng các hoạt động xúc tiến thương mại và cầu nối thị trường hiện có trong việc xuất khẩu hàng hóa; nên tập trung các mặt hàng nông sản chế biến đặc sản vùng miền của Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ là thị trường khó tính, đòi hỏi DN cần nghiên cứu quy định luật pháp đất nước này để tránh trở thành mục tiêu áp dụng các biện pháp phòng hộ thương mại, nhất là vấn đề nguồn gốc xuất xứ.
Trái cây Việt Nam là mặt hàng tiềm năng trong hoạt động xuất khẩu
Bà Ngô Phẩm Trân – Hiệp hội Phát triển Kinh tế – Văn hóa – Giáo dục Đài – Việt – nhấn mạnh đến việc các nông trại, các nhà sản xuất nhập khẩu ở Việt Nam muốn đưa hàng Việt ra thế giới cần hiểu được thị trường người tiêu dùng ở mỗi quốc gia. Đơn cử như thị trường Đài Loan, hàng Việt chưa chinh phục được thị trường này. Hiện nay người bản xứ ở Đài Loan có thể dùng hàng Việt còn rất lớn, nhưng trước giờ các đơn vị nhập khẩu cũng không đầu tư thời gian khai thác sản phẩm mới của Việt Nam. Vì theo họ, hàng Việt so với hàng chế biến của Thái Lan, Philippines, Indonesia thì chất lượng không bằng. Trong khi DN Việt Nam cũng chưa đưa ra những căn cứ nào để khẳng định và thuyết phục họ dùng hàng Việt.
“Các nông trại, các nhà sản xuất ở Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào thị trường Đài Loan cần đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến sản xuất và quảng bá hình ảnh”, bà Trân nói.
Đừng để cái khó bó cái khôn
Hầu hết các kiều bào nhấn mạnh đến rào cản của các DN Việt Nam khi đàm phán đưa hàng Việt ra thế giới đó là ngôn ngữ, kinh nghiệm quảng bá, kết nối thị trường, thông tin quy định pháp luật. Với nhiều kinh nghiệm đưa hàng Việt ra thế giới, các kiều bào bày tỏ luôn sẵn sàng hỗ trợ các DN Việt khắc phục những hạn chế để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu.
Ông Lê Bá Linh – Phó Chủ tịch Hội Liên lạc Lào – Thái Lan – cam kết hỗ trợ các DN Việt Nam như tư vấn mẫu mã, đẩy sản phẩm hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba… để người Việt Nam tại nước ngoài có cơ hội tra cứu, tiếp cận và mua hàng.
Hơn 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn TP.HCM đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động, xây dựng văn hóa tiêu dùng trong các tầng lớp nhân dân TP. Ngày càng nhiều DN sản xuất ra hàng hóa có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, Phó Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động – thì, việc đưa hàng Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế mặc dù Việt Nam có nhiều mặt hàng không thua kém gì các nước. Vì vậy DN và các cơ quan hữu quan cần trao đổi, rà soát để tháo gỡ những khó khăn; đồng thời có những giải pháp kịp thời, thiết thực, có những hành động thực tế hơn. Cần xác định đi bước nào chắc bước đó, để hàng hóa của Việt Nam vươn xa trên thị trường quốc tế. Về phía TP sẵn sàng hỗ trợ các DN trong khả năng của mình. Đối với những vấn đề vượt tầm sẽ có những kiến nghị cấp trên để tháo gỡ khó khăn cho DN. Bà Thắng kêu gọi cộng đồng DN cạnh tranh lành mạnh, phát huy lợi thế của nhau, cùng xây dựng một khối DN vững mạnh để cạnh tranh với DN quốc tế. Qua đó đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam ra nước ngoài nhằm không chỉ đáp ứng nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài mà còn tạo một thói quen để người nước ngoài yêu mến và sử dụng hàng Việt Nam… |
Ông Đinh Vĩnh Cường – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kết nối doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài – cho biết, sẵn sàng tư vấn, hỗ trợ để thương vụ xuất khẩu hàng Việt vào thị trường Nhật thành công, hạn chế các phát sinh như hàng xuất bị hải quan từ chối nhập cảnh.
Hiểu rất rõ nhu cầu và thị hiếu của thị trường Trung Quốc và đã thiết lập được mối quan hệ khá tốt với chính quyền, DN bản địa, bà Trà My – Chủ tịch Hội DN Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc – mong muốn được tuyên truyền cho nhiều DN Việt Nam biết đến các cơ hội giao thương tại nước này để một ngày không xa hàng Việt có mặt trong siêu thị ở Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác.
Phú Cát
Bình luận (0)