Từ quý IV/2022, các đơn vị xuất bản bắt đầu tăng số lượng đầu sách thiếu nhi bán ra thị trường khoảng 20 – 30% cũng như mở rộng độ tuổi tiếp cận với các đầu sách mới. Từ đâu có sự tăng trưởng này?
Trụ vững giữa đại dịch
Trừ một vài đơn vị xuất bản chuyên làm sách thiếu nhi như Kim Đồng, Đinh Tị, Lion Books…, ở các đơn vị xuất bản uy tín khác như Nhã Nam, Trẻ hay Đông A, Thái Hà…, mảng sách thiếu nhi chỉ chiếm khoảng 20 – 30%. Tuy nhiên, trong và sau thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, số lượng đầu sách và doanh số sách thiếu nhi đã tăng đáng kể khi phụ huynh và giáo viên khuyến khích trẻ đọc sách. Cụ thể, trước đây sách thiếu nhi của Thái Hà chủ yếu dành cho trẻ từ 0-3 tuổi, biên độ này hiện đã được mở rộng thêm ở phân khúc từ 6-15 tuổi, tăng khoảng 30 – 40%. Trong đó, sách của tác giả Việt khoảng 25 – 30%, còn lại là sách dịch. Đông A cũng tăng thêm khoảng 20 – 30%, mở rộng thêm một số dòng sách về kỹ năng.
Loạt sách thiếu nhi ra mắt vào ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2023 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng cung cấp
Kim Đồng dự kiến xuất bản 1.000 đầu sách trong năm nay gồm: sách văn học, kỹ năng, kiến thức – khoa học, lịch sử – giáo dục truyền thống; 70% là sách thiếu nhi, 30% sách cho tuổi mới lớn và giới trẻ, phụ huynh. Trong 5 tháng đầu 2023, Nhà xuất bản Trẻ có khoảng 11 bộ tựa sách mới (1 bộ khoảng 3 cuốn), trải đều từ trò chơi dân gian, địa lý, kỹ năng, văn học, khoa học…
Việc các nhà xuất bản gia tăng số lượng đầu sách thiếu nhi là xu hướng tất yếu trên toàn thế giới. Thực tế, thị trường sách thiếu nhi vẫn phát triển ổn định trong và sau dịch, thậm chí tăng đến 23% theo báo cáo của NPD (đơn vị chuyên phân tích dữ liệu, đưa ra tiêu chuẩn NPD Bookscan cho ngành sách), trong khi các đơn vị làm sách người lớn hoặc phải thu hẹp hoặc phá sản.
Nguyên nhân thứ hai thúc đẩy sự phát triển của sách thiếu nhi theo ông Trung Nghĩa – Đại sứ Văn hóa đọc 2023 tại TP.HCM – là phụ huynh muốn giảm thời gian tiếp xúc của trẻ với điện thoại thông minh. Ông Nghĩa nói: “Hiện nay trẻ em hầu hết đều hứng thú với các thiết bị công nghệ điện tử, cầm điện thoại di động, máy tính bảng xem YouTube hơn là đọc sách. Cha mẹ muốn trẻ có hứng thú với việc đọc sách thì nên thường xuyên dẫn con đi nhà sách, mua cho bé các sách phù hợp, dành thời gian đọc sách cùng trẻ và trong nhà nên để nhiều quyển sách. Có thể yêu cầu con dành thời gian đọc sách cố định thì mới cho con cầm điện thoại tương ứng”.
Bà Nguyễn Thủy Hằng Giang – Giám đốc điều hành Đông A Books – khẳng định thêm: vai trò định hướng và tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước trong việc thúc đẩy nhu cầu đọc ở trẻ, mở các sân chơi khuyến đọc cho trẻ đóng vai trò quan trọng không kém.
Tăng trải nghiệm trên trang sách
Các đơn vị xuất bản đặc biêt chú trọng các hoạt động trực tiếp hướng đến trẻ nhằm giúp các em hiểu và yêu sách hơn. Cụ thể, các đơn vị đã mang sách đến trường học thông qua đa dạng hoạt động, từ đọc sách, các trò chơi tương tác… Trong năm 2023, nhiều đơn vị dự kiến đẩy mạnh hoạt động dành cho trẻ tại trường học ra khỏi phạm vi TPHCM.
Không giống với sách dành cho người lớn, có thể chuyển đổi lên các nền tảng số qua hình thức sách điện tử, sách nói, sách thiếu nhi với đặc trưng riêng là nhiều hình ảnh và liên quan đến màu sắc, do đó, bản sách giấy vẫn chiếm ưu thế và khó lòng thay thế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là quyển sách trở nên nhàm chán. Hiện nay, các đơn vị làm sách cũng đặc biệt chú trọng gia tăng trải nghiệm trên trang sách, mang đến nhiều giá trị cộng thêm cho trẻ. Kim Đồng sản xuất sách tương tác đa phương tiện gồm: sách chuyển động scanimation, sách nói, sách song ngữ kèm phần đọc của người bản ngữ…
Đinh Tị có sách tích hợp âm thanh của 10 chủ đề, sách tương tác để giúp trẻ phát triển xúc giác, thị giác, thính giác và khứu giác… Riêng Lion Books – đơn vị sách thuần Việt dành cho thiếu nhi – dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng đặc biệt chú trọng đầu tư vào các hoạt động đi kèm trang sách như: kể chuyện âm nhạc, tổ chức workshop trò chơi cho phụ huynh và trẻ…
Mỗi tựa sách là mỗi hoạt động thú vị khác nhau nhằm mang đến sự hứng thú cho các bé. “Với mỗi cuốn sách, chúng tôi muốn mang đến cho trẻ giá trị nội dung, quan trọng hơn là sự kết nối giữa trẻ và phụ huynh khi cha mẹ ngày nay quá bận rộn và ít dành thời gian cho con” – chị Nguyễn Chiều Xuân – sáng lập Lion Books – chia sẻ.
Nhiều đơn vị khai thác, đồng nghĩa thị trường sách thiếu nhi Việt Nam sẽ đa dạng hơn, trẻ có nhiều lựa chọn hơn nhưng sự cạnh tranh cũng khốc liệt hơn. Đại diện một đơn vị tiết lộ, chỉ riêng việc cạnh tranh mua bản quyền các đầu sách dịch đẩy chi phí tác quyền cao hơn (khoảng 7 – 8%), khiến giá thành bán ra cao hơn.
Với dòng sách thuần Việt, các đầu sách liên quan đến chủ đề khoa học, tâm lý, triết học… gần như vắng bóng. Mặc dù vậy, với sự phát triển của sách thiếu nhi, các đơn vị làm sách và cả người đọc có quyền kỳ vọng vào đội ngũ tác giả thuần Việt trưởng thành hơn từ nỗ lực cá nhân và hậu thuẫn của các đơn vị làm sách để thúc đẩy các tựa sách này. Ưu thế sẽ thuộc về đơn vị nào tạo dựng được bản sắc riêng và chất lượng qua từng bản sách.
Theo Nhã Ca/PNO
Bình luận (0)