Hàng trăm con chim cánh cụt xanh chết trên bờ biển New Zealand mỗi ngày, với nguyên nhân ban đầu được cho là do nhiệt độ nước biển gia tăng.
Chim cánh cụt xanh, loài chim cánh cụt nhỏ nhất thế giới, đang có nguy cơ tuyệt chủng. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH INDEPENDENT
Tại vùng cực bắc của New Zealand, loài chim cánh cụt bản địa này chết la liệt trên bãi biển và giới chuyên môn ước tính có khoảng 200 con bị trôi dạt lên bờ mỗi ngày.
Bộ Bảo tồn New Zealand cho rằng nhiệt độ nước biển gia tăng có thể là nguyên nhân khiến loài chim cánh cụt nhỏ bé này chết hàng loạt. Đại dương hấp thụ hơn 90% nhiệt lượng dư thừa trong bầu khí quyển, chủ yếu do việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Theo Newsweek, hiện tượng chim cánh cụt xanh chết và trôi dạt trên bãi biển ở New Zealand xảy ra từ đầu tháng 5 khi một người dân địa phương là Carol Parker phát hiện một số thi thể của chúng tại bãi biển Tokerau.
“Ngày hôm sau, chúng tôi ở bãi biển Tokerau và phát hiện 22 con chim cánh cụt chết. Một số trông như chỉ mới trôi dạt lên vào đêm hôm trước”, bà cho biết.
Chuyên gia Graeme Taylor tại Bộ Bảo tồn New Zealand cho hay nhiều con có dấu hiệu đói và mất nhiệt. “Thông thường, chim cánh cụt này nặng khoảng 1 kg, nhưng chúng đói và chỉ nặng khoảng 500-600 gram và chỉ còn da bọc xương. Chúng không còn mỡ trên cơ thể cần thiết để ở trong nước suốt mọi lúc”, chuyên gia này cho biết.
Bộ Bảo tồn New Zealand cảnh báo rằng có những dấu hiệu đáng báo động về biến đổi khí hậu và những loài khác cũng bị tác động. Cơ quan này khuyến cáo người dân cứ để những thi thể chim cánh cụt chết trên bãi biển để chúng cuốn ra biển và phân hủy tự nhiên.
Theo Khánh An/TNO
Bình luận (0)