Sự kiện giáo dụcTin tức

Ngành giáo dục cần khẩn trương, thần tốc ban hành chính sách hỗ trợ học phí

Tạp Chí Giáo Dục

Trưởng Ban VH-XH, HĐND TP.HCM Cao Thanh Bình cho rằng ngành giáo dục cần nghiên cứu, khẩn trương, thần tốc tham mưu UBND TP.HCM có một nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh thành phố từ năm học 2022-2023.


Ngành giáo dục cần khẩn trương thần tốc tham mưu UBND TP.HCM có một nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh thành phố từ năm học 2022-2023

Về việc dự kiến tăng học phí từ năm học 2022-2023, ông Cao Thanh Bình – Trưởng Ban VH-XH, HĐND TP.HCM cho hay thành phố đã đưa ra mức học phí thấp nhất trong các tỉnh thành theo Nghị quyết 81 của Chính phủ. Mức học phí dự kiến tăng này cũng chưa tính toán đến mức hỗ trợ cấp bù học phí như Nghị quyết 17, 29. Theo bài toán phân tích ra thì mức tăng không nhiều. Về phía các trường cũng rất đa dạng các chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn như quỹ khuyến học trường, quỹ phúc lợi…

Dù vậy, theo ông ngành giáo dục cần tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương, thần tốc tham mưu UBND TP.HCM có một nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh thành phố từ năm học 2022-2023 như Nghị quyết 17, 29 để kịp thời khi TP ban hành nghị quyết quy định mức học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ.

Đặc biệt, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP đánh giá, xã hội đang kỳ vọng rằng khi học phí tăng thì các khoản khác có tăng hay không; chất lượng dạy và học trong trường có nâng cao hay không… Vì thế, ngành giáo dục cần tuyên truyền để phụ huynh an tâm, làm sao khi tăng học phí thì chất lượng giáo dục tăng, từng bước hướng đến phụ huynh học sinh chỉ còn một khoản đóng duy nhất là học phí. Các khoản khác phục vụ những hoạt động ngoại khóa thì phụ huynh nào có điều kiện hỗ trợ chứ không phải tất cả phụ huynh cùng phải đóng.

Bà Lê Thị Thanh Giang – Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (Q.1) cho rằng, mức học phí đề cập trong dự thảo nghị quyết mới đây của ngành giáo dục quy định định mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông theo Nghị định 81 của Chính phủ từ năm học 2022-2023 và các năm học tiếp theo tăng lên cao nhất là 5 lần đối với bậc THCS. Thế nhưng, nếu áp dụng với các khối lớp thực hiện theo Chương trình GDPT 2018 học 2 buổi/ngày với nhiều hoạt động thì mức học phí đó tăng không đáng kể.

“Theo chương trình hiện hành, mức học phí áp dụng 1 buổi, khi học buổi thứ 2 học sinh phải đóng thêm các khoản khác. Với Chương trình GDPT 2018, học sinh được học 2 buổi, trong đó buổi thứ 2 không thu học phí. Như vậy, nếu so với khoản chi phí học sinh phải đóng theo chương trình hiện hành thì mức học phí đề xuất là tăng không đáng kể”, bà Giang phân tích.

Trước lộ trình tăng học phí tại TP.HCM, hiệu trưởng một trường THCS tại Q. Bình Tân cho rằng, ngành giáo dục cần chú ý đặc biệt đến đối tượng học sinh, trẻ em tại các khu công nghiệp bởi đây là những đối tượng sẽ chịu nhiều tác động khi học phí tăng.

Theo vị này, hiện nay, các khu công nghiệp ở Bình Tân, Bình Chánh đang thiếu hụt lao động vì nhiều lý do, trong đó có lý do về chi phí sinh hoạt quá lớn. Do đó, nếu học phí tăng cao cũng sẽ trở thành áp lực với công nhân, khiến các khu công nghiệp khó thu hút được lao động…

Đối với tác động của việc tăng học phí từ năm học 2022-2023, mới đây UBND TP.HCM đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GD-ĐT, thống nhất chủ trương xây dựng các mức hỗ trợ học phí cho học sinh công lập và ngoài công lập trên địa bàn từ năm học từ 2022-2023.

Trong đó, UBND TP.HCM giao cho Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tư pháp nghiên cứu xây dựng mức hỗ trợ phù hợp đối với các bậc học (trừ bậc tiểu học) nhằm giảm tác động xã hội do điều chỉnh mức thu học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (ngày 27/8/2021) của Chính phủ.

Song song đó, Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng dự thảo tờ trình tham mưu UBND TP.HCM trình HĐND thành phố đúng theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước ngày 15.6.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)