Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 13-6, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Khám chữa, bệnh (sửa đổi). Ảnh: Quốc hội
Góp ý vào Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Quang Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình – khẳng định, Luật Khám, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23-11-2009 đã góp phần nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, khả năng tiếp cận với dịch vụ và chuẩn hóa chất lượng của hoạt động khám, chữa bệnh, góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam cao hơn tuổi thọ trung bình của dân số thế giới. Tuy nhiên, luật cũng bộc lộ một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Đại biểu kiến nghị, vấn đề y đức trong thời gian qua chỉ được điều chỉnh thông qua quy định riêng của Bộ Y tế. Y đức là vấn đề hết sức quan trọng cần phải được đưa vào luật dành một chương riêng cho vấn đề này. Y học nước nhà có tiến bộ; đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao ngày càng nhiều. Tuy nhiên không hẳn là tỷ lệ thuận với y đức được nâng lên, kể cả những bệnh viện tuyến trên, những bệnh viện có tiếng tăm trong kỹ thuật y khoa có đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề cao, chưa hẳn đa số là những người có y đức và ứng xử tốt với bệnh nhân. Bên cạnh một bộ phận cán bộ y tế tận tâm với nghề, thể hiện tinh thần hy sinh, gắn bó; ứng xử hài hòa, tận tình chăm sóc người bệnh, nhất là xông pha trong tuyến đầu chống dịch như thời gian vừa qua, thì cũng còn không ít y, bác sĩ ngày càng rời xa mục đích cao cả và tôn chỉ như lời Bác Hồ dạy lương y như từ mẫu… Vì vậy, dự thảo luật có quy định quyền được học tập nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn, thì cũng cần bổ sung quyền được học tập, trau dồi, rèn luyện về y đức. Đại biểu cho biết, 12 nội dung, tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế được Bộ Y tế quyết định khá cụ thể, cần phải được xem xét để đưa vào dự thảo luật lần này, kèm với đó là một số nội dung cơ bản về quy tắc ứng xử.
ĐBQH Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An – cho biết, trước đây dư luận đã nhiều lần biết đến các trường hợp bệnh nhân phải chi trả nhiều tiền cho các xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng về kết quả khám bệnh, chữa bệnh và thậm chí là không được giải thích khi xảy ra sai sót trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh. Một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Do vậy, nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh. Tuy nhiên, dự thảo mới đề cập đến mối quan hệ giữa người bệnh và người hành nghề một cách chung chung; chưa có cơ chế cụ thể để bảo đảm người bệnh thực hiện được các quyền của mình. Rõ ràng nếu chỉ dừng lại ở những quy định như vậy, dự thảo luật chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, chưa đạt được mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là người bệnh làm trung tâm như tờ trình Chính phủ đã xác định.
Dự thảo luật cần khẳng định trong mối quan hệ này người hành nghề phải thực hiện các công việc khám bệnh, chữa bệnh vì lợi ích tối đa của người bệnh. Cụ thể, dự thảo luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ở ba góc độ: trách nhiệm trong việc khám bệnh, chữa bệnh; trách nhiệm bảo mật thông tin của người bệnh; trách nhiệm tránh xung đột lợi ích.
Trong đó, về trách nhiệm khám bệnh, chữa bệnh, ngoài những nội dung đã được dự thảo quy định tại Điều 8 và Điều 11, cần quy định rõ người hành nghề bắt buộc phải thông tin cho bệnh nhân về những ưu điểm, nhược điểm, những rủi ro và tác dụng phụ của phương pháp chữa bệnh. Giải thích về những phương pháp chữa bệnh khác nếu có. Trách nhiệm này phải được tiến hành liên tục trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khi có những diễn biến mới về tình hình sức khỏe của bệnh nhân. Điều này bảo đảm người bệnh hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của mình và hiểu được kết quả của tiến trình khám bệnh, chữa bệnh mà bác sĩ đã thực hiện.
Về trách nhiệm tránh xung đột lợi ích, nội dung này chưa được dự thảo quan tâm đúng mức nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần hạn chế những đơn thuốc đắt đỏ. Theo pháp luật nhiều nước, để tránh xung đột lợi ích, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh phải công khai mối quan hệ, lợi ích của mình với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác khám bệnh, chữa bệnh như công ty dược phẩm, các đơn vị thực hiện dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán… để việc giám sát trong quá trình hành nghề. Các thông tin này được công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phải thông báo cho người bệnh được biết.
PV
Bình luận (0)