Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Từ chuyện mất tiền biến thành tin đồn sinh viên bị xâm hại tình dục

Tạp Chí Giáo Dục

Buổi họp báo chiều qua (12.1) đã chính thức bác bỏ tin đồn hai nữ sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học (HUFLIT) TP.HCM bị xâm hại tình dục khi đi học quân sự tại Trường Quân sự Quân khu 7.

Từ 2 clip lan truyền dữ dội trên mạng xã hội

Sự việc bắt đầu từ tối 11.1 khi trên mạng xã hội lan truyền dữ dội thông tin trong thời điểm sinh viên (SV) Trường HUFLIT học quân sự tại Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Quân sự Quân khu 7, có hai SV nữ bị xâm hại tình dục vào buổi tối ngay trong trung tâm này. Thông tin lan truyền còn cho rằng hai SV này đã tự tử, hậu quả một người chết, một người bị liệt.

Kèm theo thông tin là 2 clip, trong đó một clip có tiếng la hét thất thanh của một người nữ. Clip khác diễn tả cảnh nhóm người đang khiêng một người đi vào bên trong. Theo thông tin lan truyền, hai clip này đều liên quan đến chuyện hai nữ SV HUFLIT bị xâm hại tình dục.

Câu chuyện ngay lập tức gây phẫn nộ trong cộng đồng mạng và diễn tiến theo nhiều chiều hướng khác nhau. Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường HUFLIT, cho biết khi có thông tin vụ việc đã liên hệ ngay với Trường Quân sự Quân khu 7 để giải quyết. Mặc dù trường đã ra công văn khẳng định đây là thông tin sai sự thật nhưng nhiều người vẫn không tin và trường cũng trở thành nạn nhân. Bản thân tiến sĩ Tuấn cũng bị sốc khi nhận rất nhiều tin nhắn đe dọa.

Đến sáng 12.1, lãnh đạo Trường HUFLIT có cuộc làm việc với Trường Quân sự Quân khu 7 và cả hai trường đã thống nhất tổ chức buổi trao đổi thông tin với báo chí về sự việc không có thật này.

Từ chuyện mất tiền biến thành tin đồn sinh viên bị xâm hại tình dục - ảnh 1

Đại diện Trường HUFLIT và Trường Quân sự Quân khu 7 tại buổi trao đổi thông tin chiều qua. ĐĂNG NGUYÊN

Clip bị cắt ghép

Đại tá Nguyễn Tiến Sơn, Chủ nhiệm Chính trị Trường Quân sự Quân khu 7, cho biết sự thật là tối hôm đó diễn ra việc mất tiền của một SV trong phòng nữ. Những bạn cùng phòng có nghi ngờ SV tên N.T.H.H lấy tiền. Bị nghi ngờ, H. xô cửa ra ngoài, bị kích động tâm lý và hét lớn (như trong clip – PV). Nghe tiếng hét, cán bộ đại đội từ tầng trệt chạy lên đưa H. xuống phòng làm việc để nắm tình hình và động viên.

Lý giải thêm về câu chuyện, đại tá Sơn cho biết trong lúc nghe tiếng la hét của H. thì có một SV ở tòa nhà đối diện thấy tụ tập đông người nên quay clip. SV này chỉ quay và chia sẻ clip chứ không biết gì về câu chuyện. Nhưng tối 11.1, trên mạng lan truyền thông tin vụ việc này theo hướng hoàn toàn khác. Từ clip về cảnh quan của trường, clip đã bị cắt ghép những cảnh khác. Thậm chí, giọng nam xuất hiện trong clip đưa lên mạng sau đó cũng bị ghép vào.

Ông Sơn cho biết SV sau đó thấy việc chia sẻ trên cộng đồng mạng với diễn đạt như vậy nguy hiểm nên đã soạn lại nội dung đính chính. Sáng qua, trường đã mời các lớp trưởng, trưởng phòng ký túc xá đến để nghe trực tiếp 2 SV tường thuật lại sự việc. Trong đó có SV là trưởng phòng sống chung với sinh viên H. cùng tường thuật lại vụ việc để các SV khác biết được sự thật.

“Sai sót của em khiến sự việc đi xa như vậy !”

Buổi họp báo hôm qua tại Trường HUFLIT có sự xuất hiện của hai SV liên quan trực tiếp đến câu chuyện này. Đó là N.T.T, người trực tiếp quay clip và một SV nữ khác là người ở chung phòng cùng N.T.H.H.

Nữ SV N.T.T trình bày: “Hôm nay ở đây, em muốn đính chính việc xảy ra ở Trường Quân sự Quân khu 7. Mọi người cũng biết clip đang được phát tán là do em quay nên em là người biết tất cả thông tin ngay tại lúc đó. Em là SV lớp 24 tại Quân khu 7. Tối đó là ngày 10.1, em có ca gác đêm từ 9 giờ 30 tới 11 giờ. Khoảng thời gian 10 giờ 30, nghe có tiếng la hét ở khu đối diện nên em đã lấy máy quay lại sự việc. Trong video em có hỏi “hình như là bị hiếp dâm hả?” chứ không xác định thông tin chính xác nên không lan truyền cho bất cứ ai. Khi kết thúc sự việc thì em được thầy đính chính bạn SV trầm cảm nên bị các bạn trong lớp đổ lỗi là ăn cắp tiền, bị tác động quá nhiều nên bạn kích động, đòi nhảy lầu”.

N.T.T cho biết thời điểm này có các bạn gác ở khu bên đã ngăn nữ SV bị kích động lại và gọi thầy phụ trách đến trấn an. Sau một khoảng thời gian, SV nữ này được khiêng xuống văn phòng và một lúc sau bình tĩnh lại, được ba mẹ đưa về nhà.

“Lúc quay xong clip, em có gửi cho 2 bạn gác chung và 1 bạn nam ở khu vực khác. Sau đó, em có đính chính ngay là việc này không phải bị hiếp dâm. Em không biết bạn nam có tung tin sai sự thật hay gửi clip cho ai khác không. Em mong được điều tra giúp. Qua vụ việc vừa rồi em cảm thấy rất có lỗi vì một phút sai sót dẫn đến vụ việc đi xa đến vậy. Em thật sự xin lỗi!”, T. nói.

Từ chuyện mất tiền biến thành tin đồn sinh viên bị xâm hại tình dục - ảnh 2

Hai sinh viên liên quan vụ việc có mặt trong buổi họp báo. NGỌC LONG

Sinh viên vẫn tiếp tục học bình thường

Về tình hình của N.T.H.H, đại tá Nguyễn Tiến Sơn cho biết ngay khi nhận được tin, mẹ H. đã lên trường để đưa em về nhà chăm sóc, động viên. Mẹ của H. sau đó cho biết rằng đã nghỉ việc kinh doanh để ở nhà động viên con, tránh cho con tiếp xúc điện thoại và đồng thời muốn con hạn chế tiếp xúc mọi người. Khi tâm lý H. ổn định, gia đình mới để nhà trường đến thăm hỏi và động viên.

Vào buổi sáng 12.1, đại diện Bộ GD-ĐT đã gọi cho phụ huynh SV H. Theo đó, phụ huynh cho biết gia đình mong muốn H. bình ổn sức khỏe để tiếp tục quay trở lại học tập. Mẹ H. hiện nay rất muốn các kênh truyền thông xác định đâu là sự thật, nhờ cơ quan chức năng làm rõ sự việc để con sớm quay trở lại trường. Bà cho biết con gái cũng kể rằng sự việc hoàn toàn khác so với thông tin đăng sai trên mạng.

Ông Sơn cũng cho biết tất cả SV đã được giải thích rõ ràng về câu chuyện, hiện tại vẫn học tập bình thường và trạng thái tâm lý ổn định.

Phải cử chuyên viên tâm lý hỗ trợ sinh viên

Trả lời câu hỏi của phóng viên, đại tá Nguyễn Tiến Sơn cho biết: “Trường cũng sẽ hướng dẫn nội dung tác hại của không gian mạng ngay buổi đầu tiên SV vào trường, đồng thời hạn chế ghi hình khi tham gia học tại các căn cứ, công trình liên quan đến quân sự, ngoại trừ ký túc xá và căn tin”.

Hiện tại, cả Trường Quân sự Quân khu 7 và Trường HUFLIT đều mời cơ quan điều tra xác minh thông tin về người phát tán thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận này.

Đặc biệt, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết sự việc đã làm thiệt hại tới hình ảnh của trường và SV của trường. Nhà trường cũng phải cử chuyên viên tâm lý để hỗ trợ SV, vì rất nhiều SV bị ảnh hưởng tâm lý về sự việc lần này.

Một câu chuyện tiêu biểu của “sự thật chủ quan”

Đây là một câu chuyện có tính chất đặc điểm của mạng xã hội là “sự thật chủ quan”. Đây là khái niệm nói về cảm xúc, niềm tin cá nhân ảnh hưởng đến việc định hình dư luận, muốn sự thật theo ý của chủ thể. Sự thật chủ quan đẩy định kiến đám đông lên cao thành dư luận, bất chấp việc đợi công bố kết quả, bất chấp phi lý trong dữ kiện được tung ra. Niềm tin chủ quan rất buồn cười, được hình thành qua định kiến.

Trong thời đại 4.0 này, người sử dụng tin tức rất dễ “dính bẫy” tin giả, kể cả nhiều người uy tín. Vì việc tiếp cận thông tin phụ thuộc vào nhiều nguồn từ bối cảnh, môi trường, bạn bè… Cần phải tỉnh táo và cố gắng tránh chạy theo tâm lý bầy đàn, dễ bị cuốn vào cơn lên đồng tập thể, đặc biệt khi mang đầy định kiến.

Thạc sĩ Phan Văn Tú (Trưởng bộ môn Báo chí, Khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Theo Tú Sơn – Ngọc Long/TNO

 

Bình luận (0)