Khi dịch Covid-19 đi qua, cuối năm 2021, một số nhà sách phải đóng cửa, nhiều khách hàng có xu hướng mua sách qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, cơ hội cho nhà sách truyền thống vẫn còn, thậm chí lợi nhuận từ nhà sách truyền thống là khá lớn.
Hầu hết nhà sách truyền thống hiện nay đều có khu đọc sách riêng dành cho độc giả
Mang đến những trải nghiệm
Hiện tại, hệ thống của Fahasa có 120 nhà sách trên 47 tỉnh, thành trong cả nước. Năm 2022, dù còn khó khăn, nhưng đơn vị này liên tục khai trương các nhà sách ở Trà Vinh, Bạc Liêu, Hà Nội… Trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu của Fahasa đạt gần 3.100 tỷ đồng.
Cũng thuộc hệ thống phát hành lớn nhất hiện nay với 50 nhà sách trên toàn quốc, đầu năm nay, Công ty Văn hóa Phương Nam vừa khai trương thêm 2 nhà sách ở Hà Nội, mới đây là cửa hàng ở Đường sách Cao Lãnh (Đồng Tháp). Theo bà Trần Nhật Hoàng Phương, Giám đốc Marketing và Truyền thông, Công ty Văn hóa Phương Nam, thời điểm hiện tại, nhà sách truyền thống vẫn không thể thay thế.
Bà Phương cho rằng, đối với các kênh TMĐT, khách hàng sẽ tìm mua những thứ họ cần, nhưng mô hình nhà sách sẽ mang đến cho họ những trải nghiệm khác nhau. “Họ đến nhà sách không chỉ là mua sách mà còn tới trải nghiệm không gian nhà sách, sẽ rất khác với những không gian bán lẻ khác. Đặc biệt, khách hàng trẻ và gia đình vẫn đến nhà sách rất đông. Cuối tuần, ở thành phố không có nhiều không gian vui chơi nên các gia đình lựa chọn nhà sách để vừa uống cà phê và đọc sách giải trí”, bà Hoàng Phương nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fahasa, lưu ý thêm về xu thế tiêu dùng của người dân hiện nay thường tăng mạnh vào cuối tuần và hướng tới trung tâm thương mại. “Chúng tôi tận dụng tối đa xu thế này. Tất cả nhà sách của Fahasa mở mới đều ở trong trung tâm thương mại và kinh doanh tốt vào cuối tuần. Do vậy, hệ thống nhà sách của Fahasa cân bằng về doanh thu, chúng tôi vẫn mở nhà sách truyền thống vì nhận thấy cơ hội kinh doanh lớn ở đây”, ông Thuận cho biết.
Theo ông Phạm Minh Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fahasa: “Có một vấn đề khó là hiện nay đội ngũ công nghệ cho chuyển đổi số chưa nhiều. Do vậy, với doanh nghiệp, để có được đội ngũ công nghệ đủ trình độ, tâm huyết và có trách nhiệm với công việc là rất khó, tốn nhiều chi phí”. |
Nhu cầu bắt buộc
Fahasa vừa khai trương nhà sách Fahasa Phú Lâm và đây là nhà sách thông minh thứ 10 trong hệ thống 120 nhà sách Fahasa trên toàn quốc. Với mô hình nhà sách thông minh, ứng dụng công nghệ giúp toàn bộ hàng hóa tại nhà sách được định vị theo khu vực, có mã số từng kệ hàng. Đặc biệt, với mô hình quầy tra cứu, khách hàng có thể tìm kiếm thông tin về giá bán, tác giả, nguồn gốc, xuất xứ… Ngoài ra, quầy tra cứu còn hướng dẫn lối đi tới vị trí trưng bày, bằng một bản đồ nhỏ có thể in ra một cách dễ dàng.
Có thể thấy, chuyển đổi số đang là bài toán mang tính sống còn đối với các nhà sách truyền thống hiện nay. Bà Hoàng Phương cho rằng, nền tảng công nghệ thông tin giúp việc quản lý các hoạt động chủ chốt như tài chính kế toán, quản lý mua hàng, tồn kho, kho vận, quản lý bán hàng… khoa học và nhanh hơn, giúp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Hiện Phương Nam cũng đang ứng dụng công nghệ cho hệ thống bán lẻ, phục vụ khách hàng như triển khai ứng dụng tích/đổi điểm KOMO+ thay thẻ thành viên; triển khai các tiện ích thanh toán không dùng tiền mặt…
Ông Thuận cũng cho rằng, chuyển đối số trong các doanh nghiệp phát hành là nhu cầu bắt buộc, bởi xu thế tiêu dùng hiện nay đang thay đổi rất nhanh. “Lúc trước, phải 5-7 năm mới thay đổi xu thế tiêu dùng, nhưng với giới trẻ hiện nay chỉ khoảng 2-3 năm. Xu thế tiêu dùng thay đổi, nếu doanh nghiệp phát hành không nắm bắt, sẽ không thể tổ chức kinh doanh tốt”, ông Thuận nói.
Theo Hồ Sơn/SGGPO
Bình luận (0)