Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Phát hiện nghĩa địa cá mập khổng lồ dưới đáy đại dương

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nằm ở độ sâu gần 5.200m dưới đáy Ấn Độ Dương là một nghĩa địa cá mập với gần 1.000 chiếc răng hóa thạch từ cả loài cá mập hiện đại và cổ đại.
Trong chuyến khảo sát hồi tháng 10/2022, nhóm các chuyên gia trên tàu nghiên cứu của Australia đã phát hiện thấy một nghĩa địa cá mập tồn tại dưới đáy Ấn Độ Dương ở độ sâu gần 5.200m. Những phát hiện này vừa được công bố ngày 7/12.
Răng hóa thạch của nhiều loài cá mập được thu thập từ nghĩa địa
Được biết, khi chuyến tàu đi khảo sát sự sống dưới biển và môi trường sống dưới đáy biển ở công viên biển quần đảo Cocos tại Ấn Độ Dương, các chuyên gia đã thả một tấm lưới vét khổng lồ. Đó là tấm lưới kéo dọc đáy biển, qua đó thu thập hàng loạt răng của nhiều loài đa dạng trong công viên biển.
Một cụm gồm 750 chiếc răng hóa thạch được tìm thấy trong lần khảo sát này. Trong đó có răng của loài có thể đạt chiều dài 12m, nhiều khả năng là tổ tiên của cá mập Megalodon khổng lồ. Sinh vật này là loài cá mập lớn nhất được biết đến trên trái đất, thống trị vùng biển trong hơn 20 triệu năm và đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm.
Ông Glenn Moore, người phụ trách lĩnh vực cá tại bảo tàng Tây Australia, nhận định "đây là một phát hiện đáng kinh ngạc".
"Thật không thể tin nổi chúng tôi đã thu thập tất cả những chiếc răng hóa thạch này trong một mẻ lưới từ đáy biển, cách bề mặt đại dương khoảng 4-5km", ông Moore nói.
Theo chuyên gia John Keesing, trưởng nhóm khảo sát, 1/3 số mẫu vật thu thập trong chuyến đi lần này được coi là "mới mẻ", trong đó có cả răng của loài cá mập sừng sống ở vùng biển sâu hơn 150m, chưa từng được khoa học mô tả hay đặt tên.
"Chuyến đi lần này cho chúng tôi cơ hội tìm hiểu thêm về hệ sinh thái biển cũng như phạm vi, sự phong phú và hành vi của các loài", người đứng đầu nhóm khảo sát nhận định. 
Cá mập sau khi chết không để lại bộ xương nguyên vẹn, trừ răng và vảy. Các chuyên gia thường sử dụng những bộ phận đó để tìm hiểu đa dạng sinh học dưới đại dương.
Công viên biển quần đảo Cocos bao phủ diện tích hơn 466.190km2 ở Ấn Độ Dương, nằm phía tây Australia và Indonesia. Nghĩa địa cá mập được phát hiện tại đây rất đáng chú ý nhờ lượng răng hóa thạch của cá mập dồi dào.
NN (theo dantri)

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)