Tại Hội nghị Tổng kết Giáo dục Trung học TP.HCM năm học 2021-2022 sáng 23-8, bà Phạm Nguyễn Trâm Anh – Phó Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Sở GD-ĐT TP.HCM lưu ý về tiết dạy định mức của cán bộ quản lý (CBQL) trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quy định, hiệu trưởng có định mức giảng dạy là 2 tiết/tuần, phó hiệu trưởng là 4 tiết/tuần.
Cán bộ quản lý phải hoàn thành đủ số tiết định mức theo quy định năm học
"Khi thực hiện, CBQL phải đảm bảo số tiết theo định mức, chứ không thể là vì lý do nào đó như đi họp mà nhờ giáo viên khác dạy thay và xem như số tiết đó mình đã thực hiện. Như vậy là không đúng. Trong trường hợp này, hiệu trưởng/hiệu phó phải dạy bù. Theo quy định, việc giảng dạy là giảng dạy các nội dung trong chương trình GDPT. Cán bộ quản lý nhà trường xác định môn dạy của mình, không thực hiện quy đổi các nội dung khác", bà Trâm Anh nêu rõ.
Liên quan đến phụ cấp ưu đãi, đại diện phòng Tổ chức Cán bộ cho biết hay có quan điểm rằng có dạy là có hưởng. Song quan điểm này không đúng. Đối với CBQL phải đảm bảo đủ số tiết dạy theo quy định.
Tức là, theo quy định là thực hiện 2 tiết/tuần với hiệu trưởng và 4 tiết/tuần với phó hiệu trưởng. Tuy nhiên, một số bộ môn, như môn văn lại đang thực hiện phân công 4 tiết/tuần học kỳ 1, học kỳ 2 không dạy. Như vậy, phụ cấp ưu đãi đang tính theo tháng, được hưởng hàng tháng. Cho nên, việc tính số tiết định mức cần đảm bảo số tiết định mức theo quy định của cả năm học. Và để được hưởng phụ cấp ưu đãi thì cán bộ quản lý phải dạy đủ số tiết theo quy định.
Trước nhiều ý kiến của các cơ sở giáo dục về việc lùi thời gian chuyển công tác đối với các đơn vị vào tháng 8, bà Phạm Nguyễn Trâm Anh thông tin, Nghị định 115 quy định, việc chuyển công tác phải diễn ra thường xuyên. Để đảm bảo chủ động cho các trường, Sở đã thống nhất việc chuyển công tác sẽ được giải quyết theo học kỳ. Kết thúc mỗi học kỳ sẽ giải quyết chuyển công tác, thuận tiện cho các trường tổng hợp, tính toán nhu cầu nhân sự, chuẩn bị báo cáo nhân sự để tuyển dụng.
Riêng với công tác thỉnh giảng giáo viên, bà Trâm Anh nhấn mạnh, Luật Giáo dục 2019, Luật Viên chức quy định rõ: "Thỉnh giảng là từ công chức, viên chức ở một đơn vị khác đến ký kết hợp đồng thời vụ ngắn hạn với mình". Như vậy, không thể nói rằng giáo viên đó đã đủ 200 tiết thì qua các tiết 201 trở đi ký thỉnh giảng để chi trả là không đúng.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc nhìn nhận, vấn đề thực hiện phụ cấp ưu đãi hiện đang có rất nhiều cán bộ quản lý vướng vấn đề này. Trong công tác chuẩn bị nguồn giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018, ông lưu ý, TP.HCM đang thực hiện đặt hàng giáo dục. Vì vậy, các đơn vị khi có nhu cầu tìm nguồn để tổ chức giảng dạy các bộ môn như nhạc, họa, ngoại ngữ 2 thì phải đặt hàng giáo dục, để Sở GD-ĐT đặt hàng với các trường đại học có đào tạo sư phạm tổ chức các lớp theo đặt hàng này, đảm bảo nhà trường có giáo viên tổ chức giảng dạy theo đúng Chương trình GDPT 2018.
Năm học 2021-2022, giáo dục bậc trung học thành phố có 490 trường. Trong đó, THCS có 286 trường (278 công lập, 8 tư thục); THPT với 204 trường (113 công lập, 91 tư thục). Tổng số học sinh bậc học này là 680.290 học sinh (THCS là 447.940, THPT là 232.350).
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, năm học 2021- 2022, giáo dục trung học gặp nhiều khó khăn, hạn chế do năm học diễn ra trong điều kiện kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn; có sự điều chỉnh trong một số quy định từ Bộ GDĐT; nhiệm vụ công tác giáo dục tăng thêm do triển khai chương trình, SGK đòi hỏi bồi dưỡng, tập huấn triển khai đồng loạt; việc xây dựng phương án tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế trong từng giai đoạn đã có những lúng túng…
Để thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP.HCM đề ra 9 giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; ứng dụng CNTT trong dạy học và quản lý, thực hiện chuyển đổi số giáo dục; củng cố nâng cao chất lượng giáo dục; tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục, tăng trường chuẩn quốc gia; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh…
Yến Hoa
Bình luận (0)