Gần đây, đoạn clip một học sinh bị bạn đánh dã man thực sự gây sốc với nhiều người, bởi gần như không thể hình dung một học sinh lớp 11 lại có thể đánh bạn như kẻ thù, như trong một trận đấu võ…
Theo tác giả, việc hướng dẫn con ứng xử với các biểu hiện bạo lực tại trường học là vấn đề nhiều phụ huynh đang quan tâm (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Hay trước đó, câu chuyện một phụ huynh livestream phản ứng với trường học về việc con mình bị bạo lực học đường đặt ra nhiều tình huống ứng xử cho các bậc phụ huynh khác. Từ đó, việc dạy hay hướng dẫn con ứng xử với các biểu hiện bạo lực tại trường học là vấn đề nhiều phụ huynh quan tâm.
1. Một bữa, tôi nói với hai con gái: “Các con có bị ai ăn hiếp thì nhất định phải nói cho ba mẹ biết, không được vì bị đe dọa, vì sợ mà im lặng!”. Con gái nhỏ (nay học lớp 8) nói ngay: “Làm gì có bạn nào dám bắt nạt con! Đứa nào trong lớp cũng sợ con hết!”. Tôi hơi giật mình mà cũng hiểu, tính con tuy không “dữ” nhưng thẳng thắn, mạnh dạn, thậm chí có phần “cộc” nên dù cháu không chủ động gây với ai nhưng cũng không dễ để ai bắt nạt. Qua đó, tôi cũng hiểu con mình có phần chưa thật hòa đồng, thiếu tính dịu dàng của con gái. Có thể trong chừng mực nào đó, con không lo bị ăn hiếp nhưng dù gì cũng tiềm ẩn những rủi ro nếu phát sinh mâu thuẫn nghiêm trọng thì với độ “cứng” đó, khả năng va chạm sẽ lớn hơn, khi các cái “đầu nóng” của tuổi thiếu niên thường khó kiểm soát.
Còn con gái lớn (nay học lớp 12) thì nói: “Đám bạn con nếu có bắt nạt thì dùng Facebook hoặc lập các nhóm để công kích nhau, chứ không chỉ có cãi cọ bên ngoài. Nhưng con không sợ, nếu cái group đó không vui thì con rời nhóm; nếu đứa nào tag con mà không hay thì con block hết…”. Thái độ đó khá quyết liệt nhưng tôi thấy cũng là một kiểu ứng xử có thể chấp nhận được. Tôi biết con gái quảng giao, thường chịu nhún nhường với bạn, nên chắc ít phát sinh mâu thuẫn lớn, nếu có thì có thể cũng nghiêm trọng. Dẫu vậy, tôi thấy rằng không thể để con tự “bơi” với các tình huống khó khăn trong quá trình học ở trường.
2. Trong gia đình, tôi thường xuyên dặn hai con phải thông tin về các nguy hiểm, những tình huống phức tạp, nhất là các biểu hiện bạo hành trong thời gian trên lớp, kể cả trên mạng xã hội liên quan đến trường lớp. Tôi bảo: “Các con phải cho ba mẹ biết để với kinh nghiệm của mình, ba mẹ mới hướng dẫn cách xử lý hoặc có cách bảo vệ con phù hợp”. Rồi tôi hay dẫn các trường hợp trên báo, trên mạng về các hành xử của học sinh với nhau để làm bài học cho con: “Nếu có va chạm thì cố gắng xử lý ổn thỏa, thông qua giáo viên chủ nhiệm, qua giám thị… Cần thì ba mẹ can thiệp. Chứ nếu lỡ đánh nhau, con đánh bị thương bạn thì ba mẹ phải đi xin lỗi, bồi thường; còn con bị người ta đánh thì ba mẹ sẽ đau lòng lắm…”.
Tôi hay dạy các con nên nhường nhịn bạn, kể cả có thua thiệt chút. Nếu quá đáng thì con cần báo với giáo viên chứ không tự ý giải quyết, càng không được hành xử côn đồ, khi các con là con gái. Tôi cũng nói rõ các con không cần nhịn nhục nhưng phải biết khiêm nhường và tôn trọng bạn. Mọi việc đều có thể xử lý được. Tôi cũng luôn gắn kết chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình học tập và sinh hoạt của con trên lớp; các biểu hiện gì chưa ổn thì đều trao đổi kỹ để tìm cách giải quyết. Có lần, con gái lớn bảo cô xếp ngồi ở góc mà mắt con kém, nhưng con không dám nói lại; khi đó, trong tâm lý con, có vẻ như cô đã đối xử không công bằng. Khi họp phụ huynh, từ quan sát thực tế, tôi đề nghị cô xếp lại vì cháu nhỏ con lại cận thị, thì sau đó cô đổi chỗ ngay. Qua việc này, con không còn thấy bị cô phân biệt nữa.
Trong cuộc sống, việc va chạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nên phụ huynh không thể nào xử lý thay cho con mọi việc được. Quan trọng là phải giúp con có những định hướng, cách thức để tự giải quyết. |
3. Tôi nhận thấy, trong cuộc sống, việc va chạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nên phụ huynh không thể nào xử lý thay cho con mọi việc được. Quan trọng là phải giúp con có những định hướng, cách thức để tự giải quyết. Trên hết là tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe của bản thân, tránh sa vào những vụ việc có thể ảnh hưởng đến thân thể, tinh thần mình, như đánh nhau, “ghim” các việc xấu của bạn, thù ghét do khác nhau về quan điểm hoặc do có va chạm…, tránh mang năng lượng tiêu cực từ trường lớp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả học tập. Tôi cũng dạy con phải biết tôn trọng bạn, vì có tôn trọng bạn thì bạn với yêu quý mình, trong ứng xử, giúp nhau học tập, kết giao… Đã tôn trọng thì không xét nét các hành vi, lời nói, ứng xử của bạn, để không “ghim” thành những điều không hay về bạn. Từ đó sẽ tránh va chạm. Đặc biệt, tôi cũng dặn các con không được chơi với bạn này mà chống bạn kia, chỉ nên bênh vực bạn theo lẽ phải chứ không phải vì đó là bạn của mình… Tôi cũng không thể bỏ qua việc dạy con phải biết “can thiệp” vào các vụ việc của bạn khác, trong điều kiện cụ thể của mình. Thí dụ, nhất định không được tham gia xúi giục các bạn đánh nhau; nếu có bạn đánh nhau thì tuyệt đối không được đứng cổ vũ; nếu không can được các bạn thì phải báo ngay cho người lớn biết (thầy cô, giám thị, bảo vệ…), chứ không phải “kệ họ”. Trong trường hợp cho phép, phải vận động các bạn tìm cách ngăn chặn, giải tán các vụ cãi cọ có nguy cơ bạo lực; nếu người bên ngoài đánh bạn trong trường hoặc anh chị lớn đánh bạn nhỏ thì phải kêu gọi các bạn giúp đỡ bạn mình hay các bạn bị ức hiếp. Tôi không dạy con làm “Lục Vân Tiên” nhưng cũng biết tìm những cách phù hợp để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người yếu thế…
4. Nếu lỡ có bạo lực xảy ra thì xử lý thế nào cũng là một vấn đề. Ngay cả người lớn lắm khi còn không kiềm chế được thì nói gì đến học sinh. Do đó, việc giải quyết hậu quả cũng cần được chuẩn bị tâm thế trước cho trẻ. Tôi dạy con phải biết chịu trách nhiệm với hành vi của mình, nên lỡ có đánh bạn hoặc bị dây vào một vụ bạo lực thì không được tránh né và sẵn sàng chịu các hình thức kỷ luật, xử lý. Tôi hay nói: “Con mà đánh bạn lỡ có bề gì thì ba phải đi lạy lục người ta bỏ qua!”. Đó là một cách “dọa” để con thấy trước “trách nhiệm liên đới” của ba mẹ khi có xảy ra bạo lực chứ không phải chỉ là việc riêng của con.
Như vậy, vấn đề trách nhiệm của trẻ trong việc xử lý bạo lực phải được người lớn, nhất là ba mẹ, định hướng kỹ càng. Đó là trách nhiệm kiềm chế để tránh xảy ra xung đột; trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình để không tạo ra mâu thuẫn; trách nhiệm khi lỡ gây ra các vụ việc… Suy cho cùng, nếu có trách nhiệm thì trẻ sẽ tránh được nhiều trường hợp có nguy cơ xảy ra xung đột, mâu thuẫn, dù với các bạn hay với giáo viên. Đương nhiên, điều lớn nhất mà tôi dạy các con vẫn là trách nhiệm về việc học tập và thể hiện tư cách của một học sinh đúng mực. May mắn là con gái lớn của tôi được bạn bè quý mến; cháu tham gia nhiều hoạt động của trường và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Còn cháu nhỏ có cá tính, cứng cỏi nhưng không xét nét việc của bạn nên cũng chưa từng xảy ra mâu thuẫn. Có thể tự con học được các bài học cuộc sống, trong đó có vấn đề tránh bạo lực học đường, nhưng dẫu vậy, tôi vẫn thấy định hướng của mình là cần thiết, góp phần để tránh các tình huống đó và cũng có thể ứng xử phù hợp khi xảy ra sự cố.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)