Cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số” lần 1 năm 2022 vừa được Bộ GD-ĐT phát động, qua đó, xây dựng và phát triển kho học liệu số về thiết bị dạy học có chất lượng; bổ sung nguồn tư liệu dạy học đã được kiểm duyệt để sử dụng dạy học tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm đầy đủ trang thiết bị này.
Một hoạt động trải nghiệm học tập của học sinh TP.HCM
Bên cạnh đó, thông qua cuộc thi cũng hỗ trợ các đơn vị trong việc chuẩn bị thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ GD-ĐT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dạy và học, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục theo đúng mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Các thiết bị dạy học số được chia sẻ và sử dụng rộng rãi trong các cơ sở giáo dục.
Được tổ chức trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của cá nhân hoặc nhóm đang cư trú tại Việt Nam, sản phẩm dự thi là những thiết bị dạy học được xây dựng, thiết kế, số hóa để sử dụng hoàn toàn hoặc một phần trên môi trường số phục vụ cho công tác dạy – học tại các cơ sở giáo dục phổ thông và thường xuyên. Cụ thể bao gồm: Tư liệu dạy học (bộ tranh ảnh, video clip; phần mềm mô phỏng; thí nghiệm ảo; thiết bị thí nghiệm thực hành được kết nối và có thể tương tác trên máy tính); các sản phẩm có thể sử dụng trên môi trường số để tăng sự trải nghiệm của người học và có thể thay thế thiết bị dạy học truyền thống.
Sản phẩm dự thi “Xây dựng thiết bị dạy học số” được tiếp nhận từ ngày 1-7 đến 15-8-2022 bằng hình thức trực tuyến. Các tác giả có thể đăng ký một hoặc nhiều sản phẩm dự thi. Mỗi sản phẩm chỉ được đăng ký dự thi 1 lần. Khi đăng ký sản phẩm dự thi, tác giả phải chọn đơn vị đăng ký là sở GD-ĐT nơi mình đang công tác, học tập và làm việc. |
Sản phẩm dự thi được tiếp nhận từ ngày 1-7 đến 15-8-2022 bằng hình thức trực tuyến. Các tác giả có thể đăng ký một hoặc nhiều sản phẩm dự thi. Mỗi sản phẩm chỉ được đăng ký dự thi 1 lần. Khi đăng ký sản phẩm dự thi, tác giả phải chọn đơn vị đăng ký là sở GD-ĐT nơi mình đang công tác, học tập và làm việc.
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, hơn hai năm qua, ngành giáo dục đã trải qua nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Việc dạy và học bị gián đoạn, học sinh không thể đến trường, thầy và trò gặp nhau qua hình thức trực tuyến. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục đã vượt khó, thực hiện mục tiêu kép là vừa đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên vừa hoàn thành kế hoạch năm học, kiên trì đảm bảo chất lượng. Để đạt được mục tiêu đó, cần sự nỗ lực rất lớn của đội ngũ quản lý, tinh thần tận tụy của các giáo viên, sự ham học, vượt khó của học sinh, sinh viên. Kết quả này một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo ở bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ trưởng nhấn mạnh, hiện nay nhu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi quốc gia nói chung, của ngành giáo dục nói riêng vừa là nhiệm vụ, vừa là nhu cầu hết sức cấp thiết. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT triển khai tổ chức cuộc thi này với mục đích khuyến khích tinh thần sáng tạo, thiết kế thiết bị dạy học trong giáo viên, các tổ chức, cá nhân để bổ sung thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là những nơi chưa có điều kiện mua sắm, góp phần hỗ trợ các cơ sở chuẩn bị thiết bị dạy học theo đúng quy định.
Thứ trưởng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đào tạo tích cực hưởng ứng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên, học sinh, sinh viên, các tổ chức, cá nhân tham gia cuộc thi. Thứ trưởng cũng mong rằng các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên với tinh thần chủ động, sáng tạo, yêu nghề sẽ có nhiều sản phẩm chất lượng, góp phần tạo nên thành công của cuộc thi, đóng góp cho hoạt động chuyển đổi số trong toàn ngành giáo dục – đào tạo.
Việt Ngân
Bình luận (0)