Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Dạy học theo thể loại, kiểu văn bản với chương trình 2018

Tạp Chí Giáo Dục

1. Chương trình Ngữ văn 2018 quan niệm, thể loại chỉ các văn bản thuộc văn bản văn học. Trong văn bản văn học có nhiều thể loại như thần thoại, cổ tích, truyện ngắn, truyện khoa học viễn tưởng, thơ Đường luật, thơ tự do, ngâm khúc, bi kịch, hài kịch… Kiểu văn bản chỉ các văn bản thuộc văn nghị luận và văn bản thông tin, bao gồm nhiều kiểu cụ thể được phân loại theo phương thức biểu đạt như văn bản miêu tả, văn bản tự sự, văn bản thuyết minh, văn bản nghị luận, văn bản biểu cảm, nhật dụng… Giữa thể loại văn học và kiểu văn bản có mối quan hệ khăng khít, mỗi thể loại văn học bao gồm một hay nhiều phương thức biểu đạt (kiểu văn bản) trong nó. Vì thế có sự tương ứng nhất định. Ví dụ: Truyện bao hàm trong nó hầu hết các phương thức biểu đạt như tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận…, nhưng chủ yếu là phương thức kể việc (tự sự). Thơ cũng sử dụng nhiều phương thức biểu đạt, nhưng chủ yếu là dùng phương thức biểu cảm (trữ tình). Các thể loại văn học khác cũng tương tự, cũng sử dụng nhiều phương thức biểu đạt, trong đó thường có một phương thức chính. Phương thức chính ấy quyết định đặc trưng thể loại của văn bản.


Mt tiết hc môn ng văn (nh minh ha). Ảnh: Anh Khôi

Sự phân loại trong văn bản văn học và kiểu văn bản nghị luận, văn bản thông tin cũng chỉ mang tính chất tương đối; thường có sự đan xen, hòa trộn lẫn nhau của các phương thức biểu đạt, các thể loại trong một văn bản, khó có sự phân biệt trắng đen rạch ròi. Tuy nhiên, khi dạy cho học sinh, giáo viên nên tập trung vào các biểu hiện chính, các đặc trưng tiêu biểu nhất của mỗi thể loại và kiểu văn bản để giúp học sinh nhận diện và phân tích tác dụng của các yếu tố hình thức trong thể loại, kiểu văn bản đó. Ví dụ, đã là tác phẩm truyện thì chú ý đặc trưng tự sự (kể việc): Chuyện gì, xảy ra ở đâu, trong bối cảnh nào, xảy ra như thế nào, nhân vật, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật, điểm nhìn và sự thay đổi điểm nhìn, ngôi kể và tác dụng của ngôi kể… Tương tự, đã là thơ thì chú ý đặc trưng trữ tình (bày tỏ tình cảm): Ai là người bày tỏ cảm xúc (nhân vật trữ tình), bày tỏ với ai, bày tỏ những gì, bày tỏ bằng cách nào (vần, nhịp, từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…). Mặt khác, cũng cần giúp học sinh nhận biết được sự đan xen và tác dụng của các yếu tố đan xen ấy trong một văn bản. Chẳng hạn, cần thấy vai trò của các yếu tố và nghệ thuật miêu tả trong văn bản tự sự hoặc tác dụng của các yếu tố biểu cảm trong văn bản nghị luận…

Chương trình Ngữ văn 2018 quy định mỗi lớp đều học đọc hiểu văn bản văn học theo 2 yêu cầu: Thứ nhất, lớp nào cũng học đọc truyện và thơ. Cho nên khi nói đến truyện và thơ là nói chung, đáp ứng các yêu cầu cần đạt nói chung về 2 thể loại ấy. Ví dụ, với lớp 7, cần học truyện nói chung để giúp học sinh nhận biết được một số yếu tố tạo nên đặc sắc của truyện (tự sự) như đã nêu ở trên. Thứ hai, mỗi lớp học đọc một số thể loại cụ thể của văn học dân tộc, gần gũi, quen thuộc với học sinh. Ví dụ, với lớp 7 là truyện ngụ ngôn và truyện khoa học viễn tưởng. Các lớp khác, các thể loại khác… tương tự.

2. Dạy học ngữ văn theo thể loại và kiểu văn bản không có gì mới. Từ thời phong kiến qua thời Pháp thuộc đến sau Cách mạng tháng Tám và hiện nay, nhà trường đều dạy văn theo thể loại và kiểu văn bản. Các chương trình chỉ khác nhau 3 điểm lớn: Một là, mỗi thời kỳ dạy một số thể loại khác nhau, bên cạnh một số thể loại thời nào cũng dạy. Những thể loại thời nào cũng dạy thường gắn với những tác giả và tác phẩm lớn, bất hủ của văn học dân tộc và nhân loại. Ví dụ, thời nào cũng dạy truyện thơ Nôm vì gắn với Nguyễn Du và Truyện Kiều… Hai là cách dạy. Các chương trình trước 2006 dạy văn theo thể loại và kiểu văn bản nhưng theo cách bình văn, giảng văn, phân tích tác phẩm. Từ 2006 và đặc biệt là 2018 vẫn dạy theo thể loại và kiểu văn bản nhưng là đọc hiểu văn bản. Sự khác nhau căn bản của cách dạy theo lối giảng văn, bình văn so với đọc hiểu văn bản là: Một đằng thầy cô giảng cho học sinh nghe về cái hay, cái đẹp của tác phẩm theo hiểu biết và cảm nhận của người dạy. Còn đọc hiểu là giáo viên tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm ra cái hay, cái đẹp của văn bản, tác phẩm theo cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm… của các em. Tức là chú ý kết quả tiếp nhận của từng người đọc; cá thể hóa và đa dạng hóa cách hiểu một văn bản theo yêu cầu của lý thuyết tiếp nhận và dạy học hiện đại. Ngoài ra, cũng cần chú ý thêm một điểm khác biệt nữa. Đó là chương trình 2018 dạy theo thể loại và kiểu văn bản nhưng không xếp theo lịch sử văn học. Cách thiết kế này tránh được hạn chế nhiều khi lớp trước lại học văn bản tác phẩm khó hơn lớp sau, do phải tuân thủ lịch sử văn học (học từ dân gian đến trung đại và hiện đại học sau cùng). Vì thế chương trình 2018 chỉ quy định độ khó của thể loại và kiểu văn bản từ thấp đến cao; lớp sau khó hơn lớp trước…

Dạy học ngữ văn theo thể loại và kiểu văn bản là yêu cầu tất yếu gắn với đặc trưng môn học. Chương trình 2018 chỉ khác là yêu cầu giáo viên chú ý dạy cách đọc để hình thành và phát triển cho học sinh năng lực đọc, khả năng tự đọc hiểu; trang bị cho các em công cụ để tiếp tục đọc và học suốt đời. Tất nhiên chuyển đổi này ban đầu sẽ gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn…, nhưng nếu không thay đổi thì chẳng bao giờ thay đổi được. Đây là bài học về sự lựa chọn: Cho cái cần câu, dạy cách câu hay cho học sinh một mớ cá thầy cô đã câu sẵn, thậm chí đã kho, nấu thành các món ăn rồi.

PGS.TS Đ Ngc Thng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)